Ukraine 'hồi sinh' loại vũ khí đã lỗi thời, công nghệ analog

13-05-2025 19:52 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 13/5, Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (HUR) lần đầu công bố đoạn video cho thấy hệ thống tên lửa phòng không S-200 Gammon được tái kích hoạt.

Đây là loại vũ khí ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh, từng bị coi là lạc hậu, nay được đưa trở lại hoạt động để tấn công các mục tiêu của Nga.

Việc Ukraine hồi sinh hệ thống phòng không có từ thập niên 1960 cho thấy nỗ lực tận dụng mọi nguồn lực quốc phòng trong bối cảnh chiến sự khốc liệt và kho vũ khí hiện đại còn hạn chế.

S-200 Ukraine đã được sử dụng để bắn hạ nhiều máy bay có giá trị cao và tấn công các mục tiêu mặt đất của Nga. (Nguồn: X/OSINTtechnical)

Vũ khí cũ trong vai trò mới

S-200, do Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1967, từng là lớp phòng thủ then chốt nhằm bảo vệ các cơ sở chiến lược khỏi máy bay ném bom tầm cao. Hệ thống này có nhiều biến thể như S-200A Angara, S-200V Vega và S-200D Dubna, với tầm bắn tối đa lên tới 300 km và khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao hơn 40 km.

Tên lửa 5V28 – một trong những biến thể phổ biến, mang đầu đạn phân mảnh nặng khoảng 220 kg, được thiết kế để loại bỏ các mục tiêu trong phạm vi hình nón 120 độ. Một số phiên bản trước đây thậm chí còn được trang bị đầu đạn hạt nhân, phản ánh vai trò chiến lược của hệ thống trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

S-200 hoạt động dựa vào hệ thống radar phức hợp, trong đó có radar điều khiển hỏa lực 5N62 Square Pair với tầm theo dõi khoảng 270 km, và radar cảnh báo sớm 5N84A có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hơn 600 km. Tuy nhiên, hệ thống cồng kềnh này cần tới 6 bệ phóng cho mỗi tiểu đoàn và đòi hỏi hậu cần phức tạp.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine thừa hưởng một số hệ thống S-200, nhưng đến năm 2013, các đơn vị cuối cùng đã bị loại biên do thiếu phụ tùng và chi phí bảo trì cao. Tuy nhiên, trước sức ép của chiến sự, Ukraine đã quyết định phục hồi loại vũ khí tưởng như đã lỗi thời này.

Việc tái kích hoạt S-200 là một thách thức kỹ thuật lớn. Nhiều hệ thống bị lưu kho hàng chục năm, dễ bị hư hỏng do ăn mòn linh kiện điện tử, hỏng hóc cơ khí hoặc nhiên liệu rắn trong tên lửa hết hạn. Các kỹ sư phải thiết kế lại hoặc chế tạo lại các thành phần dựa trên công nghệ analog, vốn không tương thích với hệ thống kỹ thuật số hiện đại.

Theo Cựu Phó Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine, Trung tướng Igor Romanenko, Ukraine còn hàng trăm tên lửa S-200 trong kho, nhưng việc đưa từng hệ thống trở lại hoạt động có thể mất tới một năm.

Tái sử dụng và cải tiến dưới áp lực xung đột

Việc hồi sinh S-200 cũng bị cản trở bởi đứt gãy chuỗi cung ứng. Phần lớn linh kiện đã ngừng sản xuất từ những năm 1990, buộc Ukraine phải tìm kiếm phụ tùng từ kho dự trữ cũ hoặc từ các nước từng vận hành hệ thống này như Ba Lan và Bulgaria. Thế nhưng, các yếu tố địa chính trị khiến việc hỗ trợ công khai trở nên hạn chế.

Tháng 6/2024, Ba Lan được cho là đã chuyển giao tên lửa S-200 cho Ukraine, nhưng số lượng có hạn. Ukraine cũng thử tái sản xuất một số bộ phận thông qua in 3D hoặc gia công cơ khí, nhưng gặp nhiều trở ngại do cơ sở hạ tầng bị tàn phá và các cuộc tấn công từ phía Nga.

Việc vận chuyển các bộ phận lớn như tên lửa dài 11 mét và radar nặng hàng tấn qua các khu vực chiến sự cũng làm gia tăng rủi ro. Thêm vào đó, số lượng nhân sự có kinh nghiệm vận hành hệ thống S-200 hiện nay là rất hiếm.

Cũ nhưng có hữu dụng?

Việc khôi phục S-200 phần nào phản ánh sự thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không hiện đại tại Ukraine. Dù được phương Tây viện trợ các hệ thống tiên tiến như Patriot (Mỹ) hay NASAMS (Na Uy), chúng vẫn chưa đủ để bảo vệ một lãnh thổ rộng lớn.

Trong khi các hệ thống S-300 vẫn còn đang sử dụng nhưng dễ bị tấn công, S-200 mang đến lựa chọn tấn công tầm xa, nhất là đối với các mục tiêu bay cao. Trong một chiến dịch vào tháng 4/2024, Ukraine được cho là đã sử dụng S-200 để bắn hạ một máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga ở khoảng cách 308 km.

Các kỹ sư Ukraine được cho là đã sửa đổi hệ thống dẫn đường hoặc đầu đạn để có thể sử dụng S-200 trong nhiệm vụ tấn công mặt đất, một vai trò mới mà hệ thống này chưa từng đảm nhận. Song, độ chính xác trong các nhiệm vụ kiểu này vẫn còn là dấu hỏi.

Một hệ thống đầy giới hạn

S-200 từng có thành tích không đồng đều trong quá khứ. Trong chiến tranh Lebanon năm 1982, Syria sử dụng hệ thống này để đối đầu máy bay Israel nhưng hiệu quả bị hạn chế bởi các biện pháp tác chiến điện tử. Năm 2018, một S-200 của Syria vô tình bắn hạ máy bay Il-20 của Nga do nhầm lẫn tín hiệu mục tiêu.

Hệ thống dẫn đường radar bán chủ động của S-200 dễ bị gây nhiễu và không phù hợp để tấn công các mục tiêu bay thấp hoặc tàng hình. So với các hệ thống hiện đại như Patriot (Mỹ) hay S-400 (Nga), S-200 bị coi là lạc hậu cả về công nghệ và khả năng tác chiến.

Tên lửa Patriot PAC-3 có thể đạt tốc độ Mach 5 và tích hợp dữ liệu từ vệ tinh, trong khi tên lửa 5V28 của S-200 chỉ đạt Mach 3,5 và không có khả năng liên kết dữ liệu thời gian thực.

Việc đưa S-200 trở lại chiến đấu không chỉ mang tính quân sự, mà còn là tín hiệu chính trị gửi tới các đồng minh phương Tây về nhu cầu cấp thiết của Ukraine, trong việc nâng cấp năng lực phòng không. Dù đã nhận được hàng chục tỷ USD hỗ trợ quân sự, tiến độ bàn giao các hệ thống như Patriot hoặc tiêm kích F-16 vẫn chậm so với nhu cầu chiến trường.

Song song với việc tái sử dụng vũ khí cũ, Ukraine cũng đang phối hợp với Mỹ phát triển các hệ thống lai, như dự án FrankenSAM, điều chỉnh tên lửa phương Tây cho bệ phóng thời Liên Xô.

Hiện có hơn 200 doanh nghiệp quốc phòng tại Ukraine tham gia sản xuất UAV và thiết bị tác chiến điện tử. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào công nghệ thời Liên Xô cũng cho thấy những bất cập trong chuỗi cung ứng vũ khí toàn cầu kể từ sau đại dịch COVID-19.

Nga đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không kèm điều kiệnNga đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không kèm điều kiện

SKĐS - Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.


Xuân Minh
(Theo Bulgarian Military)
Ý kiến của bạn