Sắc lệnh đó còn là văn kiện “cắt đứt” mọi mối liên hệ giữa Kiev và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) về mặt kinh tế và chính trị. Theo đó, Kiev sẽ rút toàn bộ các cơ quan hành chính và sơ tán các văn phòng của họ ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của ly khai. Trên tinh thần đó, Kiev sẽ đóng cử̉a các trường học, bệnh viện và các dịch vụ công ở Donbass.
Biện pháp tương tự cũng được áp dụng với tất cả các doanh nghiệp nhà nước, các nhân viên công ty này và cả các đối tượng tù nhân đang thụ án ở các khu vực bị ảnh hưởng của Ukraine. Ngân hàng trung ương Ukraine cũng nhận chỉ thị ngừng cung cấp các dịch vụ của họ ở các chi nhánh đặt trong khu vực ly khai kiểm soát. Tài khoản của các cá nhân và công ty đóng ở những vùng này cũng bị đóng băng. Việc chuyển giao thuế và ngân sách giữa Kiev và hai nước cộng hòa tự xưng trên cũng bị thay đổi dựa trên sắc lệnh này. Đây được coi là một động thái dứt khoát nhằm cắt đứt mọi mối liên quan giữa Kiev và vùng miền Đông.
Về phần mình, phe ly khai cho biết, Chính phủ Ukraine vi phạm thỏa thuận vì đã thu hồi luật trợ cấp cho khu tự trị, đặt lệnh ngừng bắn vốn đã mong manh trong sự hoài nghi. Sắc lệnh cũng gợi ý các ngân hàng trung ương của Ukraine nên có các biện pháp nhằm ngừng hoạt động tất cả các dịch vụ ngân hàng, kể cả các giao dịch thẻ tín dụng trong một số vùng bị chiếm giữ bởi quân ly khai.
Việc ra lệnh ngừng các dịch vụ công tại Ukraine diễn ra trong bối cảnh nhiều dự đoán cuộc chiến tranh tổng lực đang đến gần. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC), ông Andriy Lysenko trong buổi họp báo ngày 13/11 tiết lộ rằng, Quân đội chính phủ nên sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc tấn công “tiềm tàng và bất ngờ” của phe ly khai. Theo lời ông Lysenko, lực lượng ly khai sẽ di chuyển theo 4 hướng tiến công, bao gồm Stanytsia Luhanska (tỉnh Lugansk) và Donetsk, Debaltseve và Mariupol (tỉnh Donetsk).
Ngày 12/11, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc Nga đang đưa xe tăng, binh lính và các vũ khí quân sự hạng nặng tới phía Đông Ukraine, làm gia tăng mối lo ngại về một vụ chiến tranh tổng lực mới. Tướng Mỹ Philip Breedlove - Tư lệnh NATO tại châu Âu nói: “Chúng tôi đã thấy các khối thiết bị của Nga - cơ bản là xe tăng, pháo, hệ thống phòng không - cùng quân chiến đấu đang tiến vào Ukraine”. Ngày 13/11, tờ The Financial Times dẫn lời một sĩ quan giấu tên của NATO cho biết, trên biên giới Nga - Ukraine hiện có khoảng 8 tiểu đoàn quân Nga, tương đương 6.400 binh sĩ. Lực lượng này luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Cũng theo nguồn tin của NATO, số lượng lính đặc nhiệm Nga hoạt động trong lãnh thổ Ukraine đã tăng từ khoảng 300 lên 400-500 trong vài ngày qua khiến NATO đặc biệt lo ngại bởi lực lượng này được trang bị các hệ thống vũ khí mới.
Tuy nhiên, Nga tiếp tục phủ nhận việc giúp đỡ cho quân ly khai, làm cho quan hệ của nước này với Kiev trở nên xấu đi.
(theo AFP, RT, Reuters)
Quỳnh Anh
Tại cuộc họp G20 lần này, Ukraine là chủ đề chính trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Mỹ với 3 nhà lãnh đạo châu Âu là Thủ tướng Ðức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp François Hollande. Theo Ben Rhodes - cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, 3 quốc gia châu Âu này là “trung gian cốt lõi” chuyển một thông điệp của Tây phương cho lãnh đạo Nga. Thủ tướng Anh đã bắn phát súng đầu tiên khi tuyên bố tại Quốc hội liên bang Úc là Nga đã có những hành động “không thể chấp nhận được” tại Ukraine. Thủ tướng David Cameron hy vọng là Matxcơva sớm hiểu và chấp nhận “để Ukraine quyền tự quyết, tự chọn con đường phát triển của một nước độc lập, tự do”. Trong trường hợp ngược lại, Nga sẽ bị Tây phương trừng phạt tiếp. Thủ tướng Ðức Angele Merkel cũng tuyên bố lo ngại vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina không được tôn trọng và hòa ước Minsk ký vào tháng 9 đã hoàn toàn bị vi phạm. Thủ tướng Australia Tonny Abbott không giấu lo ngại trước thái độ mà ông gọi là “quá tự tin” của Nga đặt trên sức mạnh quân sự. Ông kêu gọi chính quyền Nga hãy cải thiện khuôn mặt đất nước: “Nước Nga sẽ hấp dẫn hơn nếu đi theo khát vọng dân chủ hòa bình”.