Hà Nội

Ukraine bên bờ khủng hoảng do đào ngũ và nguy cơ thiếu hụt vũ khí từ phương Tây

28-09-2024 06:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo tờ The Economist, Ukraine đang gặp phải trở ngại lớn do thiếu hụt cả nhân lực và nguồn lực để đối đầu với Nga.

Hiện tại, ông Zelensky đang có chuyến thăm Mỹ nhằm thu hút sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là về tài chính và quân sự, để giúp Kiev duy trì cuộc chiến.

Ukraine bên bờ khủng hoảng do đào ngũ và nguy cơ thiếu hụt vũ khí từ phương Tây- Ảnh 1.

Các thành viên của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 59 Ukraine. (Nguồn: Getty Images)

Tờ The Economist mô tả tình hình khó khăn của nền kinh tế Ukraine và lực lượng quân sự suy yếu. Trong khi Moscow có thể kêu gọi sự tham gia của tình nguyện viên, Kiev lại phải dựa vào chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Tuy nhiên, nhiều sĩ quan cho biết, những người được gọi nhập ngũ không đạt tiêu chuẩn chiến đấu vì quá tuổi, sức khỏe yếu, hoặc gặp vấn đề về rượu. Điều đáng lo ngại hơn là không có lối thoát rõ ràng cho những người đã nhập ngũ, khiến việc tham gia quân đội giống như một "tấm vé một chiều đến cái chết".

Báo cáo cũng chỉ ra, có khoảng 5-10% binh lính đã rời vị trí mà không xin phép. Đồng thời, chỉ có 30% người dân Ukraine coi việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự là điều đáng xấu hổ. Ngoài ra, còn có sự khác biệt thế hệ: những thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ ít ủng hộ chính sách cứng rắn của ông Zelensky hơn, so với người lớn tuổi.

Trong một bài xã luận khác, The Economist cảnh báo, Tổng thống Zelensky có thể đang "thách thức thực tế" với chiến lược quân sự của mình. Nếu tiếp tục theo đuổi đường lối này, ông có nguy cơ mất đi sự ủng hộ cả trong và ngoài nước, đồng thời gây ra sự chia rẽ sâu sắc hơn trong xã hội Ukraine.

Tạp chí này cho rằng Ukraine cần định nghĩa lại "chiến thắng" trước Nga, không còn là chiến thắng quân sự mà là trở thành "một nền dân chủ thịnh vượng, thân phương Tây" thông qua các nhượng bộ hòa bình. Để thực hiện điều này, các nhà lãnh đạo phương Tây cần đảm bảo rằng Ukraine có đủ năng lực quân sự và an ninh để bảo vệ chính mình.

Moscow luôn cho rằng sự can thiệp của NATO và việc lôi kéo Ukraine vào liên minh quân sự là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột. NATO đã đề xuất một giải pháp hòa bình ổn định, bao gồm việc giới hạn sức mạnh quân sự của Ukraine và yêu cầu quốc gia này giữ vị thế trung lập. Ban đầu, Kiev đã đồng ý với các điều khoản này trong các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng sau đó được cho là đã thay đổi lập trường do áp lực từ phương Tây.

Ukraine đối mặt nguy cơ thiếu hụt vũ khí từ phương Tây

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Ukraine có thể không nhận được viện trợ quân sự từ phương Tây vào năm 2025 do các quốc gia đồng minh đang đối mặt với khó khăn tài chính.

Ukraine bên bờ khủng hoảng do đào ngũ và nguy cơ thiếu hụt vũ khí từ phương Tây- Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2 A7 của Đức trong cuộc tập trận quân sự. (Nguồn: Getty Images)

Nhiều quốc gia đã phải vật lộn để tìm kiếm nguồn tài chính mới, trong khi một số nước khác từ chối gia tăng viện trợ. Hầu hết các cam kết tài chính đều dựa vào khoản vay 50 tỷ USD từ tài sản của Nga bị đóng băng.

Dù các đồng minh của Kiev vẫn đang thương thảo về các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận, Mỹ đang nỗ lực ngăn cản sự phản đối từ Hungary trong các kế hoạch của EU. Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận được thông qua, 50 tỷ USD này vẫn bị coi là không đủ để đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong năm tới.

Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự khổng lồ trị giá gần 8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa có tầm bắn đến Nga.

Thông báo này được đưa ra ngay khi Tổng thống Zelensky đến thăm Nhà Trắng, nhằm thúc đẩy việc cho phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, một yêu cầu mà Mỹ vẫn chưa chấp thuận.

Kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022, Washington đã viện trợ cho Ukraine hơn 56 tỷ USD. Tuy nhiên, tương lai của các gói viện trợ quân sự này vẫn còn bấp bênh, nhất là khi các nước phương Tây phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng gia tăng.

Súng máy hạng nhẹ hỏa lực cao RPL-20 của Nga lần đầu ra mắt quốc tếSúng máy hạng nhẹ hỏa lực cao RPL-20 của Nga lần đầu ra mắt quốc tế

SKĐS - Súng máy hạng nhẹ RPL-20 cỡ nòng 5,45 mm của Nga sẽ chính thức ra mắt quốc tế tại triển lãm công nghiệp quốc phòng ADEX 2024, diễn ra từ ngày 24-26/9 tại Baku, Azerbaijan.


Xuân Minh
(Theo The Economist, Bloomberg)
Ý kiến của bạn