Ukraina: Thiếu rạch ròi giữa bóng đá và chính trị

11-06-2012 22:16 | Quốc tế

Giải bóng đá Euro 2012 được tổ chức ở hai nước Ba Lan và Ukraina. Thế nhưng đối với Ukraina, công tác chuẩn bị đã gây nhiều tai tiếng.

(SKDS) -  Giải bóng đá Euro 2012 được tổ chức ở hai nước Ba Lan và Ukraina. Thế nhưng đối với Ukraina, công tác chuẩn bị đã gây nhiều tai tiếng. Báo chí phương Tây đã phân tích một số chi tiết nhạy cảm trong việc thông qua quyền đăng cai cho Ukraina và sự thiếu rạch ròi giữa bóng đá và chính trị ở nước này.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là sân vận động Donbass Arena tại thành phố Donetsk, một trung tâm công nghiệp và khai thác mỏ của Ukraina với một triệu dân, nằm cách thủ đô Kiev 800km. Sân vận động này sẽ tổ chức ba trận đấu ở bảng D, một trận tứ kết và một trận bán kết Euro 2012. Đây là sân vận động được xếp vào hàng đẹp nhất châu Âu. Nó được khánh thành năm 2009, với số vốn đầu tư đến 400 triệu USD bởi ông chủ câu lạc bộ FC Shakhtar - doanh nhân Rinat Akhmetov, đại gia giàu thứ 39 của thế giới. Đây là sân nhà của câu lạc bộ này.

Kế tiếp, là sự chuẩn một cách bị hời hợt của Kiev. Vài ngày trước khi diễn ra trận đấu đầu tiên, sân bay mới của Kiev vẫn chưa hoạt động, xe lửa tốc hành thì mới vừa được Hàn Quốc giao hàng, sân ngoài của sân vận động Olyimpic Kiev xuất hiện nhiều lỗ hổng khổng lồ. Nên nhớ rằng, Ukraina đã đầu tư đến 600 triệu euro để xây mới sân vận động này. Thế nhưng lạ thay, người Kiev vẫn tỏ ra bình tĩnh đến dửng dưng. Họ cho rằng, văn hóa địa phương khiến cho người ta có thói quen hành động vào giờ chót. Và họ tin rằng, đến phút chót mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

 Sân vận động Donbass Arena tại thành phố Donetsk.

Bên cạnh đó, thái độ làm việc không nghiêm túc của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đối với giải Euro, một sự kiện thể thao trọng đại thứ ba của thế giới cũng bị phê phán. Sự kiện quan trọng này lại được giao cho hai nước vốn không có kinh nghiệm tổ chức. Vào năm 2005, khi Ba Lan và Ukraina nộp đơn xin đăng cai, không ai nghĩ đến mặt yếu kém trên. Để rồi cuối cùng, hai nước vẫn được cấp quyền tổ chức. Chiến thắng này ắt hẳn thuộc về cặp đôi Grigoriy Surkis và Michel Platini. Surkis là một đại gia của Kiev và là lãnh đạo của liên đoàn bóng đá địa phương. Còn danh thủ Platini được bầu làm Chủ tịch UEFA cách đây 4 năm, có chương trình hành động là phát triển bóng đá về hướng Đông Âu.

Sau cuộc Cách mạng màu da cam năm 2009, Ukraina bị chia rẽ bởi hai phe thân Nga và bài Nga, giữa cựu Thủ tướng Ioulia Tymochenko và đương kim Tổng thống Ukraina, ông Ianoukovitch. Năm 2010, ông bắt đầu nắm quyền và bà Tymochenko đã bị đẩy vào tù. Hậu quả từ vụ thanh trừng chính trị này là việc nhiều nguyên thủ châu Âu tẩy chay Euro Ukraina, đi đầu là Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tuy nhiên, UEFA lại ca ngợi ông Ianoukovitch vì cho rằng ông này có nhiều công lao trong việc chuẩn bị cho Euro 2012. Bộ trưởng phụ trách Euro 2012 của Ukraina còn tự hào nói: “Chỉ trong vòng hai năm, chúng tôi đã xây xong 5 sân bay, 3 sân vận động, sửa chữa nhiều đường sá, xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc. Đây là một công việc khó lòng thực hiện, nhưng chúng tôi đã làm được”.

Nhà nước phải đầu tư khổng lồ, nhưng hiệu quả đầu tư vẫn đang là chủ đề bàn cãi. Một nhà kinh tế 39 tuổi ở Kiev nhận định: “Sau 5 năm miệt mài chuẩn bị, Ukraina hiện tại còn xa lạ với người châu Âu. Euro 2012 có thể cải thiện hình ảnh Ukraina nhưng đòi hỏi phải có thời gian và có một chính sách phát triển hợp lý”. Thế nhưng, báo giới mỉa mai về những điều được cho là “hợp lý”. Chẳng hạn như việc chọn sân vận động Donbass Arena ở thành phố Donetsk là một điều hợp lý, vì trước tiên nó nằm trong số các sân vận động đẹp nhất châu Âu và vì Tổng thống Ianoukovitch và Bộ trưởng phụ trách Euro 2012 của Ukraina là người gốc Donetsk.
 
Đi xa hơn nữa, ở Donetsk chỉ có khách sạn từ 4 - 5 sao của các đại gia địa phương, hoàn toàn không phù hợp cho khách trung lưu và bình dân. Tình trạng này cũng tương tự ở các thành phố khác. Hiện tượng hết phòng, tăng giá không chỉ là do chủ ý trục lợi của các chủ khách sạn, mà từ việc các phòng khách sạn được đặc cách dành cho UEFA, từ quan chức, các đội bóng, báo giới đến các đối tác thương mại. Mãi đến tháng 4, các phòng này mới được đưa trở lại thị trường cho khách nói chung, lúc này đã quá trễ vì khi ấy nhiều người đã quyết định ngồi nhà xem tivi.

Nhà cầm quyền Ukraina còn sẵn sàng vì Euro đến mức ra lệnh cho sinh viên nghỉ hè trước một tháng để dành ký túc xá đón khách. Một đại lộ chính của thủ đô Kiev cũng đã được phong tỏa để dành chỗ cho… bia Carlsberg và hiệu ăn nhanh McDonald’s, hai nhà tài trợ của UEFA. Một đạo luật đặc biệt còn được ban hành vội vã nhằm hối thúc các nhà xây dựng hoàn thành sớm công trình. Đây là điều rất dễ dẫn đến nạn thâm lạm và làm tăng đột biến chi phí đầu tư, ước tính có thể lên đến 10 tỉ euro.

Hoàng Giang (Theo Le Nouvel Observateur)


Ý kiến của bạn