Hà Nội

Ukraina bị chia cắt về tâm thức và lãnh thổ

04-05-2014 08:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Dưới thời Xô Viết, chúng ta quen gọi Ukraina là nước cộng hòa anh em, còn nhân dân Ukraina là nhân dân anh em. Hôm nay, vẫn tiếp tục nói về nhân dân anh em, chúng ta bổ sung thêm rằng, nó đã bị chia cắt thành những người miền Đông - Nam đất nước có thiện cảm với nước Nga và những người miền T

Dưới thời Xô Viết, chúng ta quen gọi Ukraina là nước cộng hòa anh em, còn nhân dân Ukraina là nhân dân anh em. Hôm nay, vẫn tiếp tục nói về nhân dân anh em, chúng ta bổ sung thêm rằng, nó đã bị chia cắt thành những người miền Đông - Nam đất nước có thiện cảm với nước Nga và những người miền Tây.

Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của bà Tamara Guzenkova, Tiến sĩ sử học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các nước SNG về xã hội Ukraina hiện nay.

– Xin bà cho biết, liệu hiện nay chúng ta có thể nói nhân dân Ukraina là “anh em” không?

-Sự hình thành nước Ukraina ngày nay bắt đầu từ những năm 1920. Lúc bấy giờ, người ta tuyên truyền tư tưởng về tình anh em của các dân tộc Nga, Ukraina và Belarussia. Một mặt, nó thể hiện sự khác nhau giữa người Nga, Ukraina, Belarussia, bản ngã của họ. Mặt khác, nó nhấn mạnh các mối quan hệ hữu nghị khăng khít giữa họ, trong đó có cả các chỉ số di truyền và lịch sử. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hậu Xô Viết, hệ tư tưởng này đã thay đổi. Trong bộ ba hữu nghị đó, người Nga đã bị hòa tan vào khái niệm “nhân dân Xô Viết”. Còn Ukraina và Belarussia trở thành những dân tộc độc lập và đang phát triển. Họ tiếp tục có điều kiện phát triển ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống của mình.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, chẳng bao lâu người ta hiểu ra rằng khái niệm “anh em” và “hữu nghị” phần nhiều mang tính chất danh nghĩa. Ở Ukraina, từ những năm đầu tiên hình thành chủ quyền nhà nước, khái niệm “các dân tộc anh em” hoàn toàn bị vứt bỏ. Khi viết luận án tiến sĩ khoa học về chế độ đại nghị Ukraina, tôi đã nghiên cứu các văn bản của Verkhovna Rada. Hóa ra, giai đoạn đồng thuận giữa các dân tộc và xã hội ở Ukraina rất ngắn ngủi. Vâng, không có cả quá trình thanh lọc, và khác với các quốc gia ven biển Baltic, ở Ukraina, tất cả mọi người đều được nhập quốc tịch. Điều đó giúp tránh những cuộc xung đột đẫm máu giữa các dân tộc lúc bấy giờ diễn ra trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Thế nhưng ngay từ năm 1993, ở cấp độ chính sách thực tế, Ukraina bắt đầu hình thành như một nhà nước dân tộc chủ nghĩa. Quá trình đó tiếp diễn cả dưới thời tổng thống Viktor Yushchenko và Viktor Yanukovich. Các sự kiện mấy tháng gần đây là sự kết thúc logic của nó.

TS. Tamara Guzenkova

TS. Tamara Guzenkova

- Tại sao bà lại lấy thời điểm năm 1993?

- Năm 1993, Verkhovna Rada của Ukraina quyết định để tang nhân kỷ niệm 60 năm cái gọi là nạn đói tập thể năm 1933. Trước sự kiện này, lực lượng dân tộc chủ nghĩa còn non yếu. Các giá trị dân chủ - xã hội chiếm ưu thế. Đóng vai trò lớn trong bước ngoặt dân tộc chủ nghĩa là bộ phận người Ukraina lưu vong ở các nước phương Tây. Lợi dụng sự cởi mở của Ukraina, các đại diện người Ukraina lưu vong ở nước ngoài trong các lĩnh vực chính trị, khoa học và nhân văn – ồ ạt trở về nước, nơi họ giữ các chức cố vấn và trợ lý. Sự giúp đỡ của họ không chỉ mang tính chất kỹ thuật hay kinh tế mà còn tư tưởng, hơn nữa với cái lõi dân tộc chủ nghĩa.

Tình hữu nghị anh em với nước Nga ở Ukraina bị lãng quên còn bởi những nguyên nhân kinh tế. Trong 20 năm gần đây, về phương diện kinh tế, Ukraina đã chịu thất bại nặng nề nhất trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, mặc dù dưới thời Liên Xô, trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, Ukraina là một trong những nước phát triển nhất. Trong những năm 1990, nền kinh tế của đất nước từng có một tiềm năng công nghiệp hùng mạnh bị sụp đổ hoàn toàn. Sự suy thoái này góp phần hình thành nên thái độ tiêu cực đối với nước Nga. Để biện minh cho những thất bại trong kinh tế, các Bộ trưởng và quan chức Ukraina bắt đầu đổ lỗi cho Moskva. Vào những năm 2000, người ta bắt đầu nói rằng mọi khó khăn của Ukraina đều xuất phát từ giá khí đốt cao. Mặc dù gần hai chục năm, Ukraina sống bằng giá năng lượng bao cấp. Và với thực tế đó, trong ý thức thông thường đã hình thành nên quan niệm cho rằng nước Nga dùng sợi dây thòng lọng khí đốt để “thắt cổ” nền kinh tế Ukraina.

Như vậy, hiện nay không thể nói về mối liên minh anh em giữa hai nhà nước Nga và Ukraina. Hiện nay khái niệm đó mang tính chất lịch sử và hoài niệm thuần túy. Cũng thật khó nói về nhân dân Ukraina anh em khi mà dân tộc Ukraina thống nhất vẫn chưa hình thành.

- Nghĩa là, chúng ta không thể nói về người Ukraina như một dân tộc thống nhất?

- Chỉ khi chúng ta quan niệm người Ukraina là công dân Ukraina. Còn nói về tộc người Ukraina thì quá trình này chưa kết thúc. Người Ukraina chưa hình thành một cộng đồng thống nhất. Trong những năm gần đây, sự bất đồng giữa các bộ phận riêng lẻ của Ukraina càng tăng lên. Và sự chia rẽ dân tộc giữa các công dân Ukraina cũng tăng lên.

- Ở Ukraina, cư dân miền Đông- Nam đôi khi bị gọi là những người Nga chưa được Ukraina hóa…

- Đó là một câu nói cửa miệng do người miền Tây Ukraina áp đặt. Cội nguồn của nó là cảm giác ưu việt giả tạo. Dường như miền Tây văn minh đối lập với miền Đông lạc hậu. Tuy nhiên, cách nói này được giới chính trị cao cấp của Ukraina ủng hộ. Chỉ cần đơn cử cuốn sách của cựu tổng thống Leonid Kuchma “Ukraina – không phải nước Nga” là đủ. Trong đó tác giả khẳng định một cách chắc chắn rằng miền Tây Ukraina tượng trưng cho nước Ukraina đích thực. Dường như chính ở đấy hình thành nên tất cả những giá trị dân tộc, văn hóa và văn minh của nước Ukraina.

- Có những sự khác biệt nào giữa khu vực hiện nay của Ukraina mà thế kỷ trước gọi là Tiểu Nga và miền Tây Ukraina?

- Thứ nhất, có sự khác biệt rất cơ bản về tâm thức. Chúng được đặc trưng bởi những vùng lãnh thổ khác nhau của Ukraina một thời gian dài từng nằm trong thành phần của các đế chế khác nhau. Thứ hai, có sự khác biệt rõ rệt về ngôn ngữ. Một đằng là thổ ngữ vùng Poltava làm cơ sở cho ngôn ngữ văn học Ukraina, và đằng kia là phương ngữ miền Tây. Thứ ba, có sự khác biệt về văn hóa. Những khác biệt này có thể làm nên bản sắc cho đất nước Ukraina nếu như không có yếu tố chính trị - tư tưởng nặng nề đã chia rẽ người Ukraina. Hiện không có một dân tộc thống nhất ở Ukraina. Ukraina bị chia cắt về tâm thức và lãnh thổ. Nhưng ngay cả miền Tây đất nước cũng không thống nhất. Có vùng Galichina bài Nga và có vùng Zakarpatie thân thiện hơn với nước Nga và người Nga…

- Người Kiev thấm nhuần tinh thần Tây phương và hệ tư tưởng Bandera[i] đến mức nào? Ở Kiev, người ta phân biệt những người nói tiếng Nga giọng Kiev, và những người nói giọng Moskva?

- Về mặt tư tưởng, Kiev với tư cách thủ đô lẽ ra phải cân bằng và xoa dịu được tất cả những khác biệt và mâu thuẫn tồn tại ở Ukraina. Nhưng Kiev đã chọn con đường khác. Về phương diện tâm thức và chính trị, hình như nó chuyển tới Lvov. Về địa lý, nó là trung tâm, nhưng về hệ tư tưởng, Kiev biến thành đại Lvov.

- Tại sao lại xảy ra điều đó?

- Vì rằng giới trí thức nhân văn miền Tây đua nhau chuyển về thủ đô. Sau mỗi cuộc bầu cử vào Verkhovna Rada, các dân biểu chia nhau phụ trách các ủy ban. Giới lãnh đạo chóp bu có xu hướng đảm nhận các ủy ban tài chính - kinh tế. Họ không thích các ủy ban giáo dục, văn hóa, thanh thiếu niên,v.v… Và vui vẻ nhường chúng cho các đại biểu từ các khu vực phía Tây. Những người này bắt đầu tác động tích cực lên giáo dục, văn hóa, hình thành thái độ đối với các đại diện miền Đông- Nam như những con người kém học vấn, nghèo nàn tinh thần và không nhạy cảm về mặt xã hội. Hậu quả của điều đó hiện nay chúng ta được chứng kiến khi tất cả những người không tán đồng với chính quyền bất hợp pháp của Kiev được gọi là “gián điệp” của Moskva.

- Tình cảnh của những người Nga và nói tiếng Nga ở Đông - Nam Ukraina sau khủng hoảng, nói một cách nhẹ nhàng, không mấy sáng sủa. Tương lai của các tỉnh như Kharkov, Donetsk, Lugank sẽ ra sao? Họ phải làm gì?

- Hiện nay các tỉnh miền Đông Ukraina đang ở trong tình trạng bất ổn. Kết quả của những quá trình diễn ra ở đấy hết sức không rõ ràng. Những người Nga ở Đông - Nam Ukraina lần đầu tiên trở thành không chỉ là nhân tố dân tộc, văn hóa dân tộc và ngôn ngữ mà còn là nhân tố chính trị. Rốt cuộc họ tuyên bố về quyền lợi và yêu sách của mình. Trong số những người phản kháng ở các tỉnh đông-nam có cả người Ukraina, nhưng chính người Nga là động lực của quá trình này. Họ lớn tiếng tuyên bố về sự bất đồng của mình với những gì diễn ra ở Kiev. Họ không muốn sống dưới sự cưỡng ép của Maiđan và đảng “Cực hữu”. Đây là một hiện tượng rất quan trọng.

Tiếc thay, các tỉnh miền Đông Ukraina chưa biết cách bảo vệ quyền lợi của mình. Họ không có hệ tư tưởng riêng, không có tính hệ thống trong hoạt động chính trị, không có nguồn lực, không có thủ lĩnh.

Thiếu nữ Ukraina.

Thiếu nữ Ukraina.

- Vậy thái độ của Tây Âu đối với tình cảnh những người Nga ở Ukraina như thế nào?

- Những năm gần đây, vị thế ngày càng thấp của người Nga và tiếng Nga ở Ukraina không được châu Âu quan tâm. Một số quỹ lớn tài trợ cho sự phát triển tộc người Ukraina được thành lập trên sự phủ nhận người Nga.

- Nhưng dù sao, trong những năm độc lập của Ukraina vấn đề về tiếng Nga có một ý nghĩa chính trị lớn phải không?

- Tất nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện về vị thế tiếng Nga ở Ukraina vẫn tiếp diễn trong nhiều năm, biến thành chuyện hài hước.Tất cả những người ra tranh cử tổng thống đều bắt đầu từ việc hứa hẹn rằng nếu họ giành chiến thắng thì tiếng Nga sẽ trở thành ngôn ngữ quốc gia thứ hai. Ngày thứ hai sau khi bầu cử, tất cả họ quên béng đi những lời hứa của mình. Nhiều năm chúng tôi nghiên cứu vấn đề về vị thế của tiếng Nga ở Ukraina và thường xuyên nghe các chính khách và chuyên gia Ukraina nói: “Các bạn người Nga không hiểu gì về những điều đang diễn ra ở Ukraina. Vấn đề tiếng Nga không được ai quan tâm. Trong danh sách những vấn đề được người dân chúng quan tâm, tiếng Nga chiếm một trong những vị trí cuối cùng”. Hiện nay ai cũng thấy rõ rằng đó là một sự dối trá trắng trợn.

Than ôi, người Nga ở Đông - Nam Ukraina bắt đầu thức tỉnh sau khi tai họa thực sự ập vào ngôi nhà của họ trong hình hài các chiến binh đảng “Cực hữu” với hệ tư tưởng cấp tiến dân tộc chủ nghĩa và các phương pháp đấu tranh phát xít của họ. Mục đích của họ là thay đổi bản sắc Nga của cư dân miền Đông - Nam. Đơn giản là biến họ thành những người Nga mất gốc.

- Có thể, lối thoát là liên bang hóa Ukraina chăng?... Nhưng chính trong điều kiện đó, những người miền Tây vẫn không từ bỏ tư tưởng cải tạo người Nga ở miền Đông – Nam cơ mà. Họa chăng việc xua đuổi người Nga từ đó sẽ diễn ra chậm hơn, ít bạo lực hơn. Nhưng kết quả dù sao vẫn rất bi đát...

- Có nguy cơ đó. Nhưng ở đây vấn đề là liên bang hóa như thế nào. Các khu vực sẽ được độc lập đến đâu trong việc xây dựng chính sách, kể cả trong lĩnh vực nhân văn.

- Vừa rồi thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk hứa hẹn rằng trong khuôn khổ nhà nước liên bang, các khu vực sẽ được độc lập nhiều hơn – về kinh tế và các lĩnh vực khác. Trong đó có việc sử dụng tiếng Nga. Nhưng trong khuôn khổ nhà nước liên bang không thể có điều đó. Vậy thì những tuyên bố của Yatsenyuk dành cho ai? 

- Yatsenyuk chỉ là tay sai của Mỹ. Ông ta nhắc lại những gì người ta nói với ông ở Washington. Toàn bộ chính phủ của ông ta là dự án của Mỹ. Nó hoàn toàn phụ thuộc.

Nhưng dù sao chính sự liên bang hóa Ukraina như một tư tưởng và như một sự đối trọng với Kiev hiện nay mới có thể trở thành yêu cầu tối thiểu của các tỉnh miền đông-nam. Điều đó tạo cho họ cơ hội hình thành sự độc lập của mình và điều kiện xây dựng mối quan hệ theo cách khác với Kiev

Nhưng chính quyền Kiev lại phản đối. Liên bang hóa gây ra nguy cơ trực tiếp cho sự thịnh vượng kinh tế của Kiev và các tỉnh miền tây được trợ cấp của Ukraina. Tất cả tiền đổ về đấy, còn sau đó Kiev chia chác chúng theo cách của mình – không căn cứ vào khả năng đóng góp của mỗi người. Chính thủ đô là được nhận nhiều nhất. Tất nhiên, Kiev không muốn tự đánh mất sự ưu việt đó. Hơn nữa, giới tài phiệt từ miền Đông – Nam đã từ lâu chuyển tới Kiev.

Cuộc đấu tranh đòi liên bang hóa Ukraina cần một sự cố gắng và ý chí lớn. Nhưng nếu như các khu vực phía Đông run sợ, phong trào của họ sẽ bị đàn áp, còn các thủ lĩnh sẽ bị mua chuộc, thì...Họ phải trả giá rất đắt.

- Phương Tây theo đuổi mục đích của mình ở Ukraina. Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea có ảnh hưởng gì tới họ?

- Các kế hoạch ban đầu nhằm mục đích đuổi hạm đội Biển Đen ra khỏi Crimea và đặt các căn cứ của NATO. Bây giờ họ buộc phải điều chỉnh. Rất có thể chính Đông – Nam Ukraina hiện được coi như là một bàn đạp tiềm năng của NATO.

- Về mặt chính trị, phái “Cực hữu” và các tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan tương tự độc lập đến mức nào? Họ có phụ thuộc vào phương Tây nhiều lắm không?

- Tôi cảm thấy rằng phần nhiều họ bị điều khiển. Vâng, họ có tiềm năng của mình. Có cả hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cấp tiến của mình. Nhưng không nên quên rằng người Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm sử dụng những tổ chức như vậy ở những nước khác nhau. Nước Mỹ kiểm soát nếu không phải tất cả thì chí ít là những tổ chức dân tộc chủ nghĩa cấp tiến chủ yếu. Lãnh đạo của chúng được trả tiền, được đề bạt trong hệ thống bộ máy nhà nước. Ví dụ điển hình là Kosovo. Ở đấy, những người giữ các cương vị cao và chức vụ nhà nước vừa mới đây thôi đã tham gia khủng bố và buôn bán ma túy. Họ khoác vào người những bộ comple châu Âu đắt tiền và bắt đầu điều hành đất nước. Tình hình tương tự cũng đang chờ đợi Ukraina.

Tất nhiên, không nên loại trừ một điều là một số phần tử dân tộc chủ nghĩa cấp tiến sẽ hoạt động ít nhiều độc lập hơn. Tuy nhiên, trong những điều kiện kiểm soát toàn thể hiện nay, khi mọi cuộc trò chuyện đều bị nghe lén, mọi hành động trong bất cứ thời điểm nào đều có thể bị ghi hình, việc kiểm soát chúng không có gì khó khăn.

- Có ý kiến cho rằng, khác với các nước phương Tây, hơn 20 năm qua, nước Nga ít tác động tới xã hội Ukraina.

- Với tư cách là một yếu tố địa chính trị ở khu vực Ukraina, nước Nga khác phương Tây ở chỗ: nước Nga thể hiện mình như một quốc gia coi trọng các hiệp ước chính thức liên chính phủ và các mối quan hệ qua lại với các giới lãnh đạo. Còn phương Tây lại chủ động làm việc với khối phi chính phủ. Nếu nước Nga quy định giá bán gas thấp hơn giá thành, vì nghĩ rằng bằng cách đó có thể tranh thủ thiện cảm của chính phủ Ukraina, thì Phương Tây dưới dạng các khoản tài trợ đã đút tiền vào túi các chính trị gia “độc lập” Ukraina và tài trợ cho các phương tiện thông tin đại chúng “độc lập” Ukraina.

Đã đến lúc phải rút ra kết luận và thay đổi chính sách. Tình hình đến mức, dưới sự kiểm soát của chính quyền Kiev hiện nay, người Nga không thể sống được nữa rồi. Người Nga cần phải bảo vệ quyền lợi và bản sắc của mình ở đấy và khắp mọi nơi. Nếu không, sau này sẽ không kịp nữa...

Trần Hậu (Theo báo Văn học Nga, số 5/2014)

 


Ý kiến của bạn