Trình bày báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước UBTVQH, chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương xã hội hoá đạt kết quả tích cực, đến nay đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ SGK lớp 1 các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và 7 SGK môn học tự chọn do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Đánh giá cao việc thực hiện xã hội hoá trong biên soạn SGK, về lâu dài có lợi cho người dân, tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn hiện giá sách đắt hơn, tăng 2-3 lần so với giá sách do Nhà nước biên soạn trước đây vì nhiều lý do như chất lượng in, cạnh tranh thị trường... “Cần quan tâm lộ trình bình ổn giá SGK, giá tương xứng chất lượng nhưng không nên quá cao nếu không sẽ ảnh hưởng đến người dân vì gần như nhà nào cũng phải sử dụng” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến và đặc biệt lưu ý đến vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó phải đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước, tránh hiện tượng sách dùng một lần gây lãng phí.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng giá SGK làm sao phải đảm bảo mặt bằng mức sống của người dân. Nhà nước cần tính lộ trình để có cơ chế hỗ trợ, nhất là đối tượng khó khăn.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò của Chính phủ và Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đồng thời biểu dương việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa được thực hiện rất tốt. Đối với một số nội dung còn chậm, cần báo cáo để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, vấn đề nào chưa làm được thì sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện.