UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn, yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg

01-04-2023 18:27 | Y tế
google news

SKĐS - UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn, yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg trên địa bàn thành phố.

Trong văn bản khẩn ngày 31/3, UBND TP.HCM cho biết, bệnh Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra.

Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả, bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người; từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus Marburg.

Thời gian ủ bệnh Marburg từ 2-21 ngày. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong cao. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu: Kim Vân

Do đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg vả không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, UBND TP.HCM yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và thủ trưởng các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế tập trung giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế, từ đó phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch ở châu Phi trong vòng 21 ngày).

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây ra cộng đồng.

Ngoài ra, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị và phòng chống dịch.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu và có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết thì cần phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu kịp thời.

Đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.

Các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp ngành y tế xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Marburg theo ngành quản lý và tại cộng đồng dân cư.

TP.HCM nâng cao cảnh giác với bệnh do virus MarburgTP.HCM nâng cao cảnh giác với bệnh do virus Marburg

SKĐS - Tại TP.HCM, ngành y tế đã triển khai các hoạt động phòng, chống nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời khi có trường hợp mắc bệnh do virus Marburg.


Vân Kim
Ý kiến của bạn