Sau khi báo SK&ĐS đã có loạt bài "Lâm Đồng - Người ta đang xẻ thịt danh thắng quốc gia" và "Thung lũng xanh thành đại công trường". Tại cuộc họp báo chiều ngày 6/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giải trình về hiện trạng các dự án sân golf có sử dụng đất nông nghiệp và việc xây dựng dự án biệt thự trong khu di tích danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Với câu hỏi như: Việc quy hoạch và xây dựng đến 6 sân golf hiện nay ở Lâm Đồng và những ảnh hưởng, tác động xấu của những sân golf này tới môi trường sinh thái, đời sống... của người dân; Hiệu quả của những sân golf này mang lại như thế nào ? Việc thu hút đầu tư sân golf, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thực chất là gì: đúng như dự án hay chỉ là kinh doanh biệt thự, bất động sản..., tình trạng chặt hạ hàng loạt cây rừng trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm...
Cụ thể, đối với hai dự án sân golf được quy hoạch có sử dụng đất lúa tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng cũng như dự án sân golf 54 lỗ có đất trồng chè tại thành phố Bảo Lộc, ông Võ Ngọc Hiệp cho biết, các cơ quan chức năng đã cố gắng bám sát quy hoạch sân golf toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua thực tế phản ánh của báo chí về việc các dự án sân golf này khi triển khai có thu hồi đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến người dân thì UBND tỉnh sẽ yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy mô, tính chất dự án.
Trả lời câu hỏi của phóng viên các báo về nguy cơ ô nhiễm tại dự án sân golf Royale City quy mô 567ha đất và 183ha mặt nước tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, với mỗi năm có khoảng 36 tấn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được chủ đầu tư Công ty TNHH Acteam International công bố, ông Võ Ngọc Hiệp cho rằng đây là điều không đáng lo. Vì tại Nhật có 300 sân golf, còn Mỹ có đến 1.000 sân golf nhưng người ta vẫn không lo ngại về chuyện chất độc hại từ các sân golf này. Nước ngoài họ văn minh nên chúng ta có thể không lo ngại lắm về chất độc hại từ sân golf. Tổng diện tích của Lâm Đồng khoảng 1 triệu ha nên với 6 dự án sân golf có thể phù hợp và chịu đựng được.
Sân golf Royale City quy mô 567ha đất và 183ha mặt nước tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. |
Riêng câu chuyện các dự án xây dựng biệt thự du lịch đang mọc lên dày đặc tại khu di tích danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm và có hàng ngàn ha thông ba lá bị chặt hạ cũng được Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng giải thích là làm đúng quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, khi phóng viên các báo đề nghị công khai các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến dự án này thì ông Hiệp trả lời rằng chỉ có thể cho xem chứ không cung cấp bản photo. Điều duy nhất được ông Hiệp công bố là UBND tỉnh Lâm Đồng cấm mọi chủ đầu tư có dự án trong hồ Tuyền Lâm xây dựng biệt thự để kinh doanh bất động sản hoặc sang nhượng dự án. Nếu phát hiện sẽ thu hồi dự án dù chủ đầu tư đã đóng tiền đền bù đất hoặc các khoản phí khác.
Ông Hiệp cũng thừa nhận là không nhớ Đà Lạt có bao nhiêu bản quy hoạch chi tiết... bức xúc về công trình xây dựng của Bảo hiểm nhân thọ Lâm Đồng phá vỡ cảnh quan chung ở cửa ngõ trung tâm Đà Lạt... Tuy nhiên, những giải thích của người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng quả là chung chung, còn nhiều câu trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề được đặt ra. Đặc biệt cuộc họp báo nóng lên chuyện UBND tỉnh "tiền hậu bất nhất" trong xử lý và thu hồi 11 biệt thự đã cho Hoàng Anh Gia Lai thuê, chuyện chung chi chạy dự án đầu tư ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm, chuyện một doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã "xã giao" bằng 2 chuyến đi du lịch Thái Lan và Singapore cho những cán bộ tỉnh Lâm Đồng và nhiều thứ khác... Những vấn đề này ông Võ Ngọc Hiệp chỉ dừng lại ở việc "xin nhà báo cung cấp tư liệu, chứng cứ..." dù vụ việc đã được báo chí nêu từ hơn 10 ngày qua.
Thùy Trang