UBND huyện Mỹ Đức phải giải quyết dứt điểm

03-08-2010 8:12 AM | Tin nóng y tế

Trước sự ngang nhiên và thách thức cơ quan y tế địa phương của ông Nguyễn Văn Thọ, Phòng y tế huyện Mỹ Đức đã có công văn gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội,

Trong số báo 120 ra ngày 29/7, báo Sức khỏe & Đời sống đã đăng tải bài viết Xúc phạm thanh tra y tế vì chữa bệnh không phép (!?) về vụ việc ông Nguyễn Văn Thọ, ở thôn Ha, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngang nhiên khám chữa bệnh không phép và thách thức các cơ quan chức năng. Trong số báo này, chúng tôi xin lược ghi ý kiến của Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội - ông Nguyễn Việt Cường về vụ việc này.

 Cơ sở khám chữa bệnh không phép của ông Thọ.

Trước sự ngang nhiên và thách thức cơ quan y tế địa phương của ông Nguyễn Văn Thọ, Phòng y tế huyện Mỹ Đức đã có công văn gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đề nghị Thanh tra Sở ra quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở khám chữa bệnh của ông Thọ. Trả lời đề nghị của Phòng y tế Mỹ Đức, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Chỉ thị 02 ra ngày 25/1/2010 của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân (HNYDTN) đã quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý các cơ sở trên địa bàn. Theo đó, trong vụ việc này, việc xử lý cơ sở hành nghề không phép của ông Thọ ở xã Phù Lưu Tế là trách nhiệm của UBND huyện Mỹ Đức. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế  Hà Nội đề nghị Phòng y tế huyện tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, đình chỉ hoạt động và xử phạt hành chính đối với hành vi khám chữa bệnh không có giấy phép của ông Thọ. Theo Pháp lệnh HNYDTN, cơ sở hành nghề không phép sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng và buộc phải dừng ngay việc hành nghề.

Trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường về vấn đề Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế có ý kiến cho rằng Phòng y tế huyện đã tiến hành kiểm tra mà không hề thông báo cho xã, khiến cho sự phối hợp không được đồng bộ. Về vấn đề này, ông Cường cho biết, việc thanh kiểm tra có 2 hình thức, có thể thông báo cho chính quyền địa phương để phối hợp hoặc có thể tiến hành thanh kiểm tra đột xuất sau đó thông báo cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát. Tùy theo tính chất của vụ việc, cụ thể như việc này nếu như xã đã được giao làm nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để thì huyện hoàn toàn có thẩm quyền tiến hành thanh kiểm tra. Sau đó, tùy vào tính chất vụ việc sẽ xử lý và giao lại cho xã. Thậm chí huyện có thể phê bình trách nhiệm của xã do quản lý địa bàn không tốt. Việc kiểm tra không thông báo cho chính quyền địa phương là thuộc chức năng thẩm quyền và hoàn toàn không sai.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Cường, hiện nay một số huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) mới được nhập về Hà Nội, công tác quản lý HNYDTN còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, quan niệm "làng xã" vẫn đang còn hiện hữu trong cách suy nghĩ của người dân và nhiều cán bộ nên sự "nể nang" không chỉ có trong vụ việc này mà đã từng xuất hiện ở nhiều vụ việc khác tương tự. Tuy nhiên, để việc quản lý HNYDTN dần đi vào nền nếp, thiết nghĩ chính quyền cơ sở không thể đứng ngoài cuộc và càng không thể trông chờ ý kiến từ các cơ quan chuyên môn, khi sai phạm đã quá rõ ràng!

Dư luận đang chờ hành động của UBND huyện Mỹ Đức để vụ việc cơ sở khám chữa bệnh của ông Thọ ở xã Phù Lưu Tế nhanh chóng được giải quyết nhằm góp phần quản lý việc HNYDTN được ngày càng chặt chẽ.
 
PV

Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH