Ngày 28/11, Nga tiến hành một cuộc tấn công tổng lực, sử dụng 90 tên lửa và 100 máy bay không người lái (UAV) để nhắm vào 17 mục tiêu quan trọng, bao gồm các cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Đây là lần đầu tiên tên lửa hành trình mang đầu đạn chùm được triển khai, theo xác nhận của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) tại Astana, ngày 28/11.
Một trong những mục tiêu chính của chiến dịch là làm suy yếu hệ thống năng lượng của Ukraine. Các cuộc tấn công đã phá hủy hoặc làm hư hỏng nghiêm trọng hàng loạt trạm biến áp trọng yếu.
Chẳng hạn, 1 tên lửa Kalibr đã phá sập trạm biến áp 330 kV Trikhatki ở Nikolaev, trong khi tại Vinnytsia, 4 tên lửa Kh-101/Kh-BD đánh trúng trạm biến áp 750 kV Vinnytskaya, trung tâm cấp điện chiến lược của khu vực.
Không chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng, Nga còn tập trung vào các khí tài quân sự. Trong các ngày 25 và 26/11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy nhiều bệ phóng tên lửa ATACMS, HIMARS gần Sumy và Odessa, cùng với các hệ thống vũ khí nội địa của Ukraine như tên lửa Grom-2 và Neptune.
Những thành công này không chỉ đến từ hỏa lực mạnh mà còn nhờ sự cải tiến vượt bậc trong chiến thuật và công nghệ. Nga đã tận dụng tối đa các công cụ tình báo hiện đại, bao gồm vệ tinh radar, UAV trinh sát và hệ thống giám sát tiên tiến, giúp theo dõi chặt chẽ các tuyến vận chuyển vũ khí từ NATO cũng như định vị chính xác các mục tiêu chiến lược.
Một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược của Nga là việc sử dụng UAV Geran-2. Với hệ thống định vị GLONASS chống tác chiến điện tử, UAV này không chỉ có độ chính xác cao mà còn có khả năng sống sót tốt trước hệ thống phòng không của Ukraine.
Ngày 10/11, Nga đã triển khai 145 UAV Geran-2 chỉ trong một ngày, trong đó Ukraine chỉ bắn hạ được 62 chiếc – minh chứng rõ ràng cho hiệu quả vượt trội của loại vũ khí này. Đáng chú ý, một số UAV Geran-2 được lập trình để thu thập tình báo và quay trở lại lãnh thổ Nga sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Nga còn đang tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào Geran-2, hướng tới việc triển khai các "bầy UAV" có khả năng phối hợp tác chiến để vượt qua hệ thống phòng thủ đối phương.
Một số biến thể nâng cấp thậm chí được trang bị đầu dò quang học hoặc modem 4G, cho phép truyền trực tiếp video từ khu vực chiến sự, giúp tối ưu hóa việc lựa chọn mục tiêu.
Việc sử dụng tên lửa Kinzhal – một trong những vũ khí chiến lược của Nga – đã giảm đáng kể. Nguyên nhân có thể là do yếu tố bất ngờ của Kinzhal không còn, khiến nó dễ bị phát hiện ngay từ khi MiG-31K cất cánh.
Thay vào đó, Nga ưu tiên tên lửa Iskander-M và UAV Geran-2 nhờ tính linh hoạt và độ chính xác cao, phù hợp cho các chiến dịch tấn công ngắn hạn.