FP-1 có thể bay khoảng 1.600 km và mang theo đầu đạn nặng khoảng 113 kg, sức mạnh vượt trội so với nhiều mẫu UAV trước đó như PD-1.

Máy bay không người lái tầm xa FP-1 của Ukraine. (Nguồn: Mezha Media)
So với PD-1, một thiết kế cũ có tầm bay khoảng 960 km, FP-1 là bước nhảy vọt cả về phạm vi hoạt động và tải trọng chiến đấu. Thành tựu này đến từ hàng loạt tinh chỉnh kỹ thuật của liên doanh Ukraine - Séc UAC, trong đó đáng chú ý nhất là việc loại bỏ hoàn toàn hệ thống bánh đáp, một thành phần thường chiếm tới 5% trọng lượng máy bay.
Thay vì cất cánh bằng bánh như các UAV truyền thống, FP-1 được phóng đi từ một đường dốc nghiêng bằng tên lửa đẩy gắn trên thân, tối ưu hóa trọng lượng và khí động học. Điều này cho phép FP-1 mang nhiều thuốc nổ hơn, bay xa hơn mà vẫn giữ thiết kế nhỏ gọn, hiệu quả.
Dù chỉ mới ra mắt công chúng gần đây, FP-1 đã được đưa vào sử dụng chiến đấu từ năm 2024. Đây là một phần trong kho vũ khí UAV tấn công ngày càng đa dạng của Ukraine, vũ khí đã chứng minh vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhắm vào các mục tiêu như căn cứ không quân, kho hậu cần hay nhà máy lọc dầu nằm cách xa hàng trăm kilomet.
Trước khi có FP-1, Ukraine từng sử dụng các máy bay thể thao như Aeroprakt A-22, được cải hoán thành UAV bằng cách thay buồng lái người điều khiển bằng hệ thống điều khiển từ xa. Tuy có thể bay xa tới 1280 km và mang theo đầu đạn khoảng 100 kg, nhưng A-22 vốn được thiết kế cho bay có người lái nên quá cồng kềnh và không tối ưu cho vai trò UAV tự sát, đặc biệt khi mỗi chiếc có giá hơn 80.000 USD trước khi lắp thêm các thiết bị chiến đấu.

Máy bay không người lái tấn công Bulava của Ukraine. (Nguồn: RBC)
Trong khi đó, FP-1, dù có thể đắt hơn A-22 với giá trên 100.000 USD, lại có thiết kế đơn giản, chuyên biệt cho mục tiêu tấn công một chiều, không cần quay trở về. Bỏ đi hệ thống bánh đáp còn giúp tiết kiệm không gian bên trong và giảm sức cản không khí, cho phép FP-1 mang lượng thuốc nổ tương đương mà bay xa hơn.
Trên thế giới, xu hướng phát triển UAV tấn công không có bánh đáp cũng đang trở nên phổ biến. Ví dụ, công ty Kratos của Mỹ khi phát triển phiên bản UAV phóng từ đường dốc Valkyrie, cũng đã cắt giảm tải trọng và loại bỏ bánh đáp để tối ưu hóa cho các nhiệm vụ tấn công sâu.
Ngoài ra, một số thiết kế khác dùng phương pháp xe trượt tăng tốc trên đường băng, cho phép UAV đạt vận tốc cất cánh cao mà không cần hệ thống hạ cánh nặng nề. Tuy nhiên, phương án này chỉ khả thi với các UAV có thể tái sử dụng và phải được trang bị dù hãm để quay về căn cứ, điều không phù hợp với UAV cảm tử như FP-1.