Điều đáng chú ý là cuộc xâm nhập này kéo dài tới 17 ngày mà Bộ Quốc phòng Mỹ không thể ngăn chặn.
Theo các quan chức Mỹ, báo cáo từ cảnh sát và tài liệu tòa án, những UAV này bay theo đội hình qua không phận hạn chế, với kích thước và loại hình đa dạng. Một số UAV lớn dài tới 6 mét, di chuyển với tốc độ hơn 160 km/h ở độ cao 900-1.200 mét, trong khi các UAV nhỏ hơn, tương tự máy bay thương mại với bốn cánh quạt, hoạt động ở tầm thấp hơn.
Cựu tướng Không quân Mỹ Mark Kelly cho biết, các UAV đã bay về phía nam qua Vịnh Chesapeake, tiến tới Norfolk, nơi có căn cứ của đơn vị tác chiến đặc biệt SEAL Team Six và Căn cứ Hải quân Norfolk, một trong những cảng hải quân lớn nhất của Mỹ.
Mặc dù sự việc đã được báo cáo lên Nhà Trắng, các quan chức vẫn gặp khó khăn trong việc đối phó. Hệ thống radar quân sự, được thiết kế để phát hiện máy bay lớn, không thể phát hiện những vật thể nhỏ như UAV. Cảnh sát cũng đã cố gắng theo dõi nhưng không thể xác định được nguồn gốc của chúng.
Theo luật pháp Mỹ, quân đội chỉ được phép bắn hạ UAV nếu chúng gây ra mối đe dọa trực tiếp. Việc sử dụng các biện pháp gây nhiễu cũng không khả thi do có thể ảnh hưởng đến hệ thống khẩn cấp như 911 hoặc Wi-Fi. Sử dụng vũ khí năng lượng để bắn hạ cũng bị coi là quá rủi ro, đặc biệt đối với hàng không thương mại.
Cuối cùng, ngày 23/12/2023, những cuộc xâm nhập này đã dừng lại, nhưng danh tính của người đứng sau vẫn là điều bí ẩn. Điều khiến giới chức lo ngại là vụ việc có mức độ phức tạp cao, không dễ gì chỉ là hành động của những người đam mê công nghệ đơn thuần.
Trước đó, tháng 10/2023, năm UAV khác cũng được phát hiện bay trên Cơ sở An ninh Quốc gia Nevada, một địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thông tin nào về kẻ đứng sau vụ việc này.