Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, vì thế, cùng với niềm tự hào thì chúng ta phải có chiến lược bảo tồn, gìn giữ và phát triển di sản này. ĐCTT bấy lâu vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của người Việt, nhưng trong thời hội nhập, ĐCTT được đưa vào hoạt động du lịch và từ đây nhiều nỗi lo hiện hữu...
Theo hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), ĐCTT ra đời vào cuối thế kỷ XIX, chủ yếu các tỉnh phía Nam nước ta và sau đó lan rộng đến cả các tỉnh, thành phía Bắc. Loại hình nghệ thuật này phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam - vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường. ĐCTT gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc lễ, nhạc cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam. Chính vì thế, ĐCTT vừa có tính bình dân, vừa mang tính bác học. Đến nay, ĐCTT được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi: trong lễ hội, cưới, sinh nhật, họp mặt... Đối với người phương Nam, ĐCTT là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng, cùng với đó ĐCTT đang góp phần phục vụ du lịch ở địa phương, duy trì sự đa dạng văn hóa của quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày một phát triển đã kéo theo những đổi thay của ĐCTT, trong đó nổi bật là loại hình nghệ thuật này đã và đang được khai thác, đưa vào các tuor du lịch ở nhiều tỉnh, thành phía Nam phục vụ du khách nội địa cũng như quốc tế. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc..., liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch... Nhưng theo nhiều chuyên gia, khi chúng ta đưa ĐCTT để kích cầu du lịch cần thận trọng, thậm chí có thời điểm GS. Trần Văn Khê nêu quan điểm không nên để ĐCTT bị thương mại hóa.
Biểu diễn ĐCTT trong các tour, điểm du lịch không còn xa lạ ở miền Tây Nam Bộ.
Trước khi ĐCTT được vinh danh tầm nhân loại, loại hình nghệ thuật này đã được các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ đưa vào những tour, điểm du lịch với nhiều hình thức: đờn ca trên sông (ghe, tàu du lịch), trong vườn cây trái, nhà hàng... Hình thức này nhiều năm qua phát triển mạnh ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu... Tuy nhiên, hoạt động ĐCTT phục vụ du khách trong các tuor, điểm du lịch này chưa có sự đồng nhất nên các đội, nhóm ĐCTT vẫn còn lúng túng trong hoạt động và những bất cập nảy sinh. GS. Trần Văn Khê cho rằng: “Không thể mang ĐCTT Nam Bộ làm du lịch được. Trong 10 phút, cả đoàn du lịch ghé lại mà nghe 2 - 3 bản thì làm cho ĐCTT giảm giá trị. Trong buổi đờn đó, người đờn đâu có vui và hào hứng mà đờn. Họ đờn để lấy tiền. Đâu phải làm như vậy mà giúp ĐCTT tiến bộ được. Cho nên hãy cẩn thận, đừng biến âm nhạc tài tử thành một bộ môn sân khấu và đừng biến nó thành một món hàng”.
Soạn giả Huỳnh Anh từng cho biết, các nghệ nhân trong ban nhạc ĐCTT ở nhiều điểm du lịch có ngón đờn rất giỏi, chơi được nhiều nhạc cụ nhưng thực tế cũng cho thấy vẫn còn một số nhạc công yếu, tiếng đờn chưa chuẩn xác, nhịp còn sai, chữ nhấn, chữ run còn vụng về, chỉ đờn được đôi ba bài nhỏ, chưa từng đụng tới các bài tổ, vì trình độ nhạc công trong dàn nhạc không đồng đều.
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ, các địa điểm du lịch tại Thới Sơn (Tiền Giang) có lúc không có dàn nhạc nào đủ tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, bầu). Đờn ghi-ta phím lõm thì ban nào cũng có, nhưng đờn kìm thì rất hiếm.
Từ thực tế trên phản ánh ĐCTT đang đứng trước nhiều sự tác động dù loại hình di sản này vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ. Theo các chuyên gia, việc đờn yếu, ca dở của nghệ sĩ ĐCTT ở các điểm, tuor du lịch sẽ gây ra một tác hại to lớn. Trước hết, nó phản ánh không đúng giá trị chất lượng của nghệ thuật ĐCTT. Chúng ta đờn, ca qua loa, chiếu lệ cố chỉ để có tiền là vô tình làm lu mờ những giá trị và bản sắc của di sản ĐCTT. Đối với du khách nước ngoài, không khéo với trình độ đờn, ca không tốt sẽ hạ thấp giá trị những tinh túy nghệ thuật của dân tộc đối với khách nước ngoài.
Theo ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương, chúng ta không nên xem nghệ thuật ĐCTT như một gói khuyến mại, như một nội dung đính kèm trong các tour du lịch. Vì như vậy sẽ làm cho ĐCTT trở nên nhàm chán, thậm chí biến chất. Nếu cứ xem ĐCTT là một gói khuyến mại của các tour du lịch, có thể có những thành công bước đầu nhưng dần dần sẽ thất bại và ĐCTT ở nơi đó sẽ càng ngày càng tệ.
Soạn giả Huỳnh Anh cho rằng, để ĐCTT không bị mờ nhạt trong khi kết hợp với du lịch thì nên xây dựng chương trình có chủ đề, có dàn dựng, chọn lọc, có thời lượng vừa phải với những bài bản phù hợp để phục vụ du khách. ĐCTT chính thống thì không thể có những bài lý, bài bản cải lương, nhưng với ĐCTT phục vụ khách du lịch nên gia giảm quy định này và phải giới thiệu tiết mục nào là nhạc tài tử, bài nào là tiết mục phụ để không làm “biến dạng” cái chất riêng vốn có của dòng nhạc dân tộc Việt trong lòng du khách bốn phương.