Hà Nội

U50 gặp các dấu hiệu mang thai, đi khám mới biết mình chửa trứng

06-10-2021 05:35 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Chậm kinh, kèm cảm giác ốm nghén, ngỡ mang thai, người phụ nữ U50 đi khám mới biết mình chửa trứng.

Chậm kinh 7 ngày, ra chút máu kèm theo cảm giác như ốm nghén, chị Đ.T.H (49 tuổi, ở Quảng Ninh) rất lo nên đi khám tại Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Thăm khám, siêu âm, các bác sĩ tại đây chẩn đoán chị H bị chửa trứng toàn phần và được chỉ định hút buồng tử cung làm chẩn đoán mô bệnh học. Kết quả cho thấy chị chửa trứng lành tính.

Dù lành tính, nhưng do tuổi đã lớn, chửa trứng có nguy cơ tiến triển thành ung thư nguyên bào nuôi, chị T được bác sĩ tư vấn và tiến hành phẫu thuật cắt tử cung, bảo tồn 2 buồng trứng.

Chửa trứng gặp ở mọi lứa tuổi

Theo BSCK 1 Đặng Ngọc Dương - Phó trưởng khoa Phụ khoa thuộc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm.

U50 gặp các dấu hiệu mang thai, đi khám mới biết mình chửa trứng  - Ảnh 1.

Nguồn: Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí.

BS Lê Thị Loan, Khoa Chẩn đoán chức năng - Bệnh viện 108, cho biết chửa trứng đa số là bệnh lý lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng có thể biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi, gặp ở mọi lứa tuổi trong thời kỳ sinh đẻ.

Ung thư nguyên bào nuôi này thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn đến các phủ tạng khác của cơ thể như gan, phổi, não, làm việc điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong cho người bệnh.

Về đại thể, tùy mức độ các gai rau thoái hóa thành túi nước để chẩn đoán chửa trứng hoàn toàn hay bán phần. Trong đó, nếu chửa trứng hoàn toàn thì không có tổ chức thai nhi, còn nếu là chửa trứng bán phần thì phụ nữ có thai nhi hay 1 phần thai nhi. Phần lớn gai rau biến thành túi nước, còn 1 phần gai rau bình thường.

Dấu hiệu chửa trứng

Theo BS Loan, bệnh nhân chửa trứng có dấu hiệu có thai như tắt kinh, nghén, ngực căng tuy nhiên nghén nặng hơn và bụng to nhanh hơn bình thường.

"Ra máu âm đạo là triệu chứng quan trọng đầu tiên. Ra máu sớm vào khoảng tháng thứ 2 đến tháng thứ 4. Ra máu tự nhiên, màu đen, đỏ, ít một và dai dẳng" - BS Loan cho biết. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng bị đau bụng có thể gặp trong giai đoạn sắp sảy thai trứng hoặc có biến chứng.

Về triệu chứng toàn thân, bệnh nhân có thể mệt mỏi, thiếu máu, có thể nhiễm độc thai nghén, đôi khi có vàng da, nước tiểu vàng.

Nếu tình trạng nặng, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng cường giáp như nhịp tim nhanh, da nóng ẩm, run tay, tuyến giáp to.

Xử trí khi bị chửa trứng

BS. Đặng Ngọc Dương lưu ý, khi phát hiện có tình trạng chửa trứng, nếu người bệnh đã qua độ tuổi sinh sản và không còn nguyện vọng có con (đặc biệt với bệnh nhân trên 40 tuổi), cần tiến hành phẫu thuật cắt tử cung để tránh tình trạng biến chứng.

Trong trường hợp người bệnh trẻ tuổi, đang trong độ tuổi sinh sản cần được thăm khám, tư vấn và theo dõi cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa sản.

"Trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như sẩy thai trứng gây băng huyết nặng hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung, ung thư nguyên bào nuôi gây nguy hiểm tính mạng người bệnh" - BS Dương giải thích thêm.

Biến chứng nguy hiểm của chửa trứngBiến chứng nguy hiểm của chửa trứng

SKĐS - Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như chùm nho.

Xem thêm video đang được quan tâm

Lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.


Thu Nguyên
Ý kiến của bạn