U19 Việt Nam nhìn từ giải U22 Đông Nam Á: Vấp ngã để trưởng thành

31-08-2014 14:14 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trận thua của U19 Việt Nam trước U19 Myanmar mới đây là “tấm gương” cho thầy trò HLV Guillaume Graechen soi lại chính mình

Một thế hệ cầu thủ mới của bóng đá Việt Nam vẫn chưa được cảm nhận “mùi vị” của chiếc huy chương vàng sau khi thất bại trong trận chung kết giải U22 Đông Nam Á. Nhìn từ lịch sử bóng đá Việt Nam thì đó là sự bi quan, nhưng nhìn về tương lai, đó lại là sự lạc quan mà giới chuyên môn đánh giá rằng, vấp ngã là để trưởng thành hơn.

Nhìn lại chính mình

Thực ra, ở bất kỳ lứa tuổi nào thì chiến thắng và vinh quang là động lực, nhưng đôi khi chiến thắng quá sớm, quá nhiều sẽ che mờ đi sự tỉnh táo. Thế nên, như người ta vẫn nói, “kẻ thất bại vẫn luôn nỗ lực hơn người chiến thắng”, trận thua của U19 Việt Nam trước U19 Myanmar mới đây là “tấm gương” cho thầy trò HLV Guillaume Graechen soi lại chính mình.

Khi đội U19 được cử đi thi đấu tại một giải U22, ít ra thì đó là một bài học về kinh nghiệm thi đấu. Cần nhấn mạnh vào điểm kinh nghiệm thi đấu chứ chưa phải tài năng, vì thực tế, lứa cầu thủ U19 đang được đào tạo ở Gia Lai có phần trội hơn một số đội trẻ khác trong khu vực. Thế nên, vấn đề ở đây là học hỏi.

Trên thực tế, trước khi lên đường tham dự giải U22 Đông Nam Á, U19 Việt Nam đã xác định rõ, đến Brunei là để học hỏi, cọ sát cho giải U19 Đông Nam Á và đặc biệt là VCK U20 châu Á. Về mặt thành tích, mục tiêu phấn đấu là bán kết. Và như vậy, ở cả góc độ thành tích, U19 Việt Nam đã vượt chỉ tiêu khi vào đến chung kết. Trên hành trình tiến vào chung kết, đó là những bài học vô cùng quý giá.

U19 Việt Nam (áo trắng) cần học hỏi để trưởng thành.

U19 Việt Nam (áo trắng) cần học hỏi để trưởng thành.

Trở lại với quãng thời gian trước, khi bầu Đức cho lứa U19 trình làng bằng những chuyến tập huấn châu Âu, những nhân tố này đã mang đến biết bao nhiêu hy vọng cho bóng đá Việt Nam. Lứa cầu thủ mà ông bầu phố Núi đổ rất nhiều tiền bạc, tâm huyết vào được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt về chất cho bóng đá Việt Nam. Hy vọng về một thế hệ cầu thủ không chỉ có tài, được đào tạo bài bản mà còn có đức trong bất kỳ tình huống nào.

Vì thế, đã có nhiều ý tưởng lớn, nhiều chiến lược dài hơi được đặt ra mà trong đó có tham vọng U19 Việt Nam sẽ giành suất tham dự VCK U20 thế giới. Để đạt được điều đó, U19 Việt Nam phải vào bán kết tại VCK U20 châu Á sắp tới.

Nhưng thành công không đến sớm. Sau thất bại trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á năm ngoái, những người trong cuộc và một bộ phận truyền thông Việt Nam đổ lỗi cho lối đá thô bạo của U19 Indonesia. Nhưng thực tế là dù các cầu thủ trẻ Indonesia chơi bóng quá thô bạo thì cũng phải thừa nhận một thực tế khác, U19 Việt Nam chưa mạnh hơn hẳn đối thủ.

Sự hoài nghi là có, đương nhiên nhưng hy vọng không hề giảm đi

Đến với giải đấu U22 Đông Nam Á, có một chút gì đó tác động từ giới truyền thông sau khi họ “tung hô” quá mức sau những chiến thắng dễ dàng trước các đối thủ dưới cơ. Sự tung hô khiến cho nhiều người nhầm tưởng về sức mạnh của đội nhà. Khi U19 Việt Nam thất bại, sự nhìn nhận mới rõ ràng hơn, tỉnh táo hơn.

Thực tế, thất bại 0-2 trước U19 Malaysia ở vòng bảng chính là bài học đầu tiên của U19 Việt Nam. Trong đó, HLV Guillaume có thể cho rằng ông cần xáo trộn đội hình để thử nghiệm cho các giải đấu lớn, song qua đó cũng phần nào thấy được sự “non nớt” về kinh nghiệm cầm quân ra trận của ông thầy người Pháp và cũng chỉ ra 1 điều: lứa U19 Việt Nam hiện nay chưa hay hơn so với Malaysia.

Đến vòng bán kết, U19 Việt Nam đã có chiến thắng xứng đáng trước U19 Thái Lan. Sau trận, cả 2 bên có vẻ sa đà vào “khẩu chiến” về lối đá bạo lực hay không bạo lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu gặp lại nhau, U19 Việt Nam và U19 Thái Lan đang ở thế đồng cân, đồng lạng. Chiến thắng 1-0 kia chỉ là kết quả trong 1 trận đấu cụ thể chứ chưa thể cho rằng lứa U19 Việt Nam hay hơn lứa U19 của bạn.

Rồi đến trận chung kết, U19 Việt Nam đã bộc lộ rõ nét nhất về mình trước U19 Myanmar bản lĩnh, trưởng thành trước tuổi. Một hàng thủ mong manh, liên tục mắc lỗi. Một số vị trí thi đấu dưới sức và độ vênh khá lớn giữa cầu thủ đá chính và dự bị. Sức mạnh thể lực là chưa đủ. Đồng thời, vai trò của HLV, chiến thuật thi đấu còn thiếu linh hoạt.

Có thể kết luận cho hành trình của U19 Việt Nam không chỉ ở riêng giải đấu vừa qua bằng nhận định thế này: Nếu huy chương vàng là sự ghi nhận về mặt thành tích thì gục ngã cũng là một bài học có giá trị tương đương với vàng. Vàng ở đâu? Ở chỗ không chỉ có bóng đá trẻ Việt Nam đang phát triển, đang tiến bộ mà trong khu vực, những nền bóng đá vốn bị đánh giá yếu hơn Việt Nam cũng đang lớn mạnh. Nếu có chút bi quan, U19 Việt Nam là quá ít để làm đầu tàu kéo theo hy vọng cho cả nền bóng đá trong tương lai. Do vậy, mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành, để những thành tích của U19 Việt Nam giành được trong tương lai mới là động lực để thay đổi cả nền bóng đá... 

Nguyên Bảo


Ý kiến của bạn