1. U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là loại u đường sinh sản phổ biến nhất. U xơ là khối u không phải ung thư được tìm thấy trong thành tử cung, thường làm thay đổi kích thước và / hoặc hình dạng của tử cung. U xơ có thể dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nhiều và đau dữ dội đối với một số người. Có khoảng, từ 20 đến 80 % phụ nữ sẽ phát triển u xơ ở tuổi 50.
U xơ có thể phát triển như một khối u đơn lẻ hoặc có thể có nhiều khối u trong tử cung. Các nghiên cứu cho thấy rằng các khối u xơ phát triển với tốc độ khác nhau và có kích thước rất khác nhau. Chúng có thể nhỏ bằng hạt táo hoặc to bằng quả bưởi. Trong những trường hợp bất thường, u xơ có thể trở nên rất lớn. U xơ thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 40 và đầu 50.
2. Các triệu chứng của u xơ tử cung
Không phải tất cả phụ nữ bị u xơ tử cung đều có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng thường bao gồm đầy hơi; đau vùng chậu mãn tính; kinh nguyệt ra nhiều, đau và kéo dài; hiếm muộn; đau khi đại tiện, tiểu tiện hoặc khi quan hệ tình dục; và áp lực ở vùng xương chậu. Ngay cả những khối u xơ nhỏ cũng có thể gây ra các triệu chứng.
Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra u xơ tử cung, nhưng các hormone như estrogen dường như thúc đẩy sự phát triển của chúng. Các triệu chứng đôi khi biến mất khi mãn kinh, khi estrogen giảm, khiến chúng teo dần.
3. Những ai có nguy cơ mắc u xơ tử cung?
Các yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung, bao gồm:
- Tuổi tác: U xơ trở nên phổ biến hơn ở độ tuổi 30, 40 và đến tuổi mãn kinh. Sau khi mãn kinh, u xơ tử cung ít hình thành hơn và thường thu nhỏ lại nếu có.
- Tiền sử gia đình: Có một thành viên trong gia đình bị u xơ tử cung làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu mẹ của một người phụ nữ bị u xơ tử cung, nguy cơ mắc phải cao hơn khoảng ba lần so với mức trung bình.
- Béo phì: Phụ nữ thừa cân có nguy cơ bị u xơ tử cung cao hơn. Đối với những phụ nữ quá nặng, nguy cơ cao hơn mức trung bình từ hai đến ba lần.
4. U xơ tử cung có thể biến chứng thành ung thư?
U xơ hầu như luôn lành tính (không phải ung thư). Hiếm khi (ít hơn 1/1.000) một khối u xơ có thể thành ung thư. Các bác sĩ cho rằng những bệnh ung thư này không phát sinh từ một khối u xơ đã tồn tại. Có u xơ tử cung không làm tăng nguy cơ phát triển thành u xơ, cũng không làm tăng khả năng mắc các dạng ung thư khác trong tử cung của phụ nữ.
5. Điều trị u xơ tử cung như thế nào?
Vì hầu hết các khối u xơ tử cung ngừng phát triển và thậm chí có thể nhỏ lại khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, nên ban đầu bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên theo dõi. Tuy nhiên, một số u xơ có thể cần điều trị tích cực hơn, tùy thuộc vào:
- Mức độ của các triệu chứng
- Tuổi của người bệnh
- Mục tiêu sinh sản
- Số lượng và kích thước của u xơ tử cung
- Bất kỳ phương pháp điều trị u xơ tử cung nào trước đây
- Các tình trạng sức khỏe khác hiện tại
6. Thuốc điều trị u xơ tử cung
Bác sĩ điều trị có thể kê đơn thuốc cho người bệnh bị u xơ tử cung gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, mục đích là để giảm đau, giảm lượng máu kinh và trong một số trường hợp, thu nhỏ các khối u.
Để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, bệnh nhân nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Các thuốc có thể được kê đơn bao gồm:
6.1 Thuốc uống tránh thai
Uống thuốc tránh thai có thể giúp kiểm soát lượng máu kinh nhiều. Thuốc tránh thai cũng có thể là một lựa chọn tốt cho những phụ nữ chưa có kế hoạch mang thai sớm.
6.2 Thuốc vận chuyển hormone giải phóng gonadotropin
Các loại thuốc được gọi là chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) làm giảm nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể, giúp thu nhỏ khối u xơ và giảm chảy máu tử cung. Thuốc chủ vận GnRH cũng ngăn cản sự rụng trứng, giảm kích thước tử cung và ngừng kinh nguyệt. Đôi khi liệu pháp GnRH được kê đơn để thu nhỏ khối u xơ trước khi phẫu thuật .
Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và khô âm đạo. Để ngăn ngừa tình trạng mất mật độ xương không thể đảo ngược, các chất chủ vận GnRH được kê đơn mà không có liệu pháp bổ trợ - estrogen và progestin để kiểm soát loãng xương - được ngừng sử dụng sau sáu tháng sử dụng.
6.3 Progestin
Progestin là phiên bản tổng hợp của hormone progesterone có tác dụng làm mỏng niêm mạc tử cung và có thể làm giảm lượng máu kinh nhiều liên quan đến u xơ tử cung. Progestin được dùng bằng đường uống và có thể có một số tác dụng phụ, như đau tức vú hoặc chóng mặt, có xu hướng giảm bớt khi cơ thể quen với thuốc.
6.4 Chất sắt
Vì u xơ tử cung có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều và thiếu máu, bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc bổ sung sắt. Sắt giúp bổ sung nguồn cung cấp tế bào hồng cầu cho cơ thể. Các tác dụng phụ bao gồm táo bón, nhưng các chất bổ sung sắt được giải phóng theo thời gian có thể làm giảm tác dụng.
6.5 Axit tranexamic (TXA)
TXA là một loại thuốc có tác dụng giúp đông máu. Các bác sĩ thường sử dụng thuốc này trong những trường hợp nghiêm trọng, như khi bị chảy máu nhiều. Thuốc thường không được sử dụng lâu dài. Mặc dù nó không làm teo khối u xơ hoặc giúp giảm đau, nhưng nó có thể ngăn phụ nữ ra máu quá nhiều và mất máu.
6.6 Thuốc giảm đau
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen để giúp giảm đau nhẹ. NSAID cũng có thể làm giảm lượng máu kinh nhiều do u xơ tử cung gây ra. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đau bụng. Ở một số phụ nữ, sử dụng thuốc trong 90 ngày hoặc lâu hơn có thể dẫn đến loét đường tiêu hóa.
Nếu các triệu chứng u xơ không cải thiện khi dùng thuốc hoặc nếu bác sĩ nghi ngờ u xơ có thể gây vô sinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chúng. Mục tiêu của phẫu thuật có thể là giảm đau, giảm lượng máu kinh hoặc cải thiện khả năng sinh sản.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Hơn 1.500 ca nhiễm, Hà Nội khẩn trương lập nhiều phương án ứng phó.