U xơ tiền liệt tuyến (UXTLT) là bệnh rất thường gặp ở nam giới trung và cao niên. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ tuổi từ 40 - 50 có tỷ lệ UXTLT khoảng 90% (một nửa trong số đó là UXTLT lành tính) và ngược lại khoảng 10% thì TLT bị teo nhỏ. Tại Việt Nam, hiện có tới 45 - 70% số nam giới trong độ tuổi từ 45 - 75 mắc căn bệnh UXTLT lành tính.
Tiền liệt tuyến có chức năng chính là tạo ra chất nhầy để nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng. Khoảng 40% tinh dịch là do tiền liệt tuyến sinh ra. Bệnh UXTLT dễ mắc phải từ tuổi trên 40. Nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng người ta thấy hormon sinh dục nam có vai trò khá rõ rệt trong bệnh UXTLT. Tuổi càng cao thì hormon sinh dục nam càng có vai trò tác động mạnh vào TLT làm cho TLT phì đại (to ra). Ngoài ra, ở một số người cao tuổi có UXTLT có thói quen dùng các loại chất kích thích mạnh như rượu, bia, thuốc lá. Và theo thống kê, tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh UXTLT càng nhiều.
Tuyến tiền liệt bình thường (trái) và tuyến tiền liệt phì đại (phải).
Biểu hiện của UXTLT như thế nào?
Do TLT to ra chèn ép vào niệu đạo gây rối loạn tiểu tiện. Biểu hiện là tiểu khó, tiểu dắt, tiểu nhiều lần, tia nước tiểu ra yếu, có khi bị ngắt quãng, thậm chí gây bí đái. Người bị UXTLT cũng hay mắc chứng đi tiểu đêm gây mất ngủ, đặc biệt ở người cao tuổi sẽ làm rối loạn giấc ngủ kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Nếu để hiện tượng rối loạn tiểu tiện kéo dài làm ứ đọng nước tiểu trong bàng quang có thể làm viêm nhiễm đường tiết niệu và nguy hiểm hơn là làm ảnh hưởng đến chức năng của thận gây suy thận. Để chẩn đoán bệnh của TLT, cần thăm khám giúp bác sĩ phát hiện sớm UXTLT khi đã có kích thước lớn nhất định. Tuy vậy, động tác này cũng gây một số phiền phức nhất định cho bệnh nhân và hơn nữa lại theo cảm tính của người bác sĩ khám bệnh. Siêu âm là một kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất hiện nay nhưng đòi hỏi bác sĩ siêu âm cần có những kiến thức về y học cũng như phải được đào tạo bài bản về kỹ thuật siâu âm. Khi có nghi ngờ về TLT và nếu có điều kiện có thể chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI). Bên cạnh đó, có thể làm xét nghiệm máu định lượng PSA (là kháng nguyên đặc hiệu của TLT có nhiều trong TLT và tinh dịch).
Khi nghi bị UXTLT nên làm gì?
Trước hết, khi nghi ngờ bị UXTLT hay nói đúng hơn là có rối loạn tiểu tiện, cần đến chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán sớm và có hướng điều trị. Bởi vì, bệnh UXTLT phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, tức là phụ thuộc vào hormon sinh dục nam. Vì vậy, phòng bệnh UXTLT sẽ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, nếu nghiện rượu, bia, thuốc lá thì nên hạn chế dùng hoặc bỏ hẳn. Để hạn chế tăng nhanh kích thước TLT, có một số biện pháp hỗ trợ, ví dụ như tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày hoặc đi bộ. Về Đông y, người ta khuyên nên xoa bụng bằng cách dùng 2 tay chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ với lực vừa phải và khoảng 30 vòng, khi tại chỗ xoa ấm lên là được. Cũng có thể dùng máy rung cho rung vào vùng bụng dưới khoảng từ 10 - 15 phút với tốc độ rung nhỏ nhất. Nếu có điều kiện thì nên day, bấm huyệt với sự thực hiện của bác sĩ Đông y.
BS. Đặng Bùi Phương Linh