U xơ mạch vòm mũi họng: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

28-12-2021 07:01 | Ung thư
google news

SKĐS- U xơ mạch vòm mũi họng thường gặp ở trẻ nam tuổi thiếu niên. Việc chẩn đoán phân biệt với u khác để điều trị và tiên lượng, phòng biến chứng là rất cần thiết.

Phân biệt ung thư vòm họng với bệnh lý vùng mũi họngPhân biệt ung thư vòm họng với bệnh lý vùng mũi họng

SKĐS - Ung thư vòm họng là bệnh khó phát hiện sớm do bệnh tiến triển âm thầm, hầu như không biểu hiện triệu chứng gì đáng kể ở những giai đoạn đầu và chỉ phát tác mạnh mẽ khi đến giai đoạn cuối.

1. U xơ mạch vòm mũi họng là gì?

U xơ mạch vòm mũi họng là một khối u lành tính, phát sinh và phát triển ở vùng cửa mũi sau và vòm mũi họng. Bản chất u là tăng sinh mạch máu, tổ chức xơ bao quanh các hồ máu, gây chảy máu rất nhiều trong khi mổ.

2.Nguyên nhân u xơ mạch vòm mũi họng

Hiện nay chưa thống nhất về nguyên nhân gây u xơ mạch vòm mũi họng. Đa số nhà nghiên cứu cho rằng viêm mạn tính vùng mũi họng, rối loạn nội tiết ở trẻ nam tuổi thiếu niên... là những yếu tố gây u xơ mạch vòm mũi họng.  Bệnh thường gặp ở trẻ nam từ 8-12 tuổi.

3.Dấu hiệu u xơ mạch vòm mũi họng

Các biểu hiện chủ yếu u xơ mạch vòm mũi họng là ngạt mũi kéo dài thường ở một bên kèm theo chảy máu mũi tự phát, tự cầm. Ngạt tắc mũi một bên ngày càng nặng. Đến giai đoạn u phát triển to có thể gây ngạt tắc mũi cả hai bên Ngoài ra bệnh nhân sẽ thấy chảy nước mũi nhiều, liên tục và ngày càng tăng  và hốc mũi 2 bên nhiều chất nhầy.

Ở một vài bệnh cảnh sẽ có tình trạng chảy máu cam, kèm còn có biểu hiện ù tai và nghe kém do khối u chèn ép vùng vòi tai... khiến người bệnh mệt mỏi do mất máu kéo dài và hô hấp khó khăn vì bị tắc mũi.  

Bệnh tiến triển khá thầm lặng một thời gian dài. Sau đó có những triệu chứng khác như: giảm ngửi hay mất ngửi, đau tai một bên, khẩu cái mềm bị đẩy lệch, mắt lồi, cứng hàm... U lan rộng có thể gây chảy máu mũi nhiều lần, số lượng nhiều phải đi cấp cứu, kèm thêm đau tức vùng mũi má mặt đáy sọ, hoặc biến dạng vùng mặt.

Thăm khám mũi họng bằng nội soi phóng đại phát hiện có khối u màu hồng đỏ nhẵn che lấp cửa mũi sau một bên, thường có chân bám và lệch về một bên vùng chân bướm hàm.

Chụp CT có cản quang tĩnh mạch vừa chẩn đoán xác định và gây tắc mạch cấp máu cho khối u trước mổ.


U xơ mạch vòm mũi họng: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị - Ảnh 1.

Hình ảnh u mạch vòm mũi họng to gây ngạt mũi.

4.Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với :

- Các khối u lành tính của vòm mũi họng (u xơ, polyp xơ hóa, u nguyên sống đáy sọ…).

− Các u ác tính khác ở vòm mũi họng (Lymphome malin. Sarcom,…).

− Các u nơi khác di căn đến vòm mũi họng (mũi xoang, đáy sọ, cột sống...).

5.Điều trị u xơ mạch vòm mũi họng

Điều trị ngoại khoa:  Phẫu thuật nội soi cắt u xơ vòm mũi họng là một trong các phương pháp ứng dụng nội soi và các dụng cụ phẫu thuật, vi phẫu của mũi xoang để bóc tách, cắt bỏ khối u, qua đường tự nhiên của hốc mũi. Trong các phẫu thuật mở đường ngoài: mở cạnh mũi hoặc mở cạnh mũi mở rộng, hoặc đường vào Rouge-Denker, xuyên khẩu cái, hoặc đường lột găng tầng giữa sọ mặt tùy theo hướng lan tràn của khối u. Mở đường ngoài vẫn có thể phối hợp với nội soi để bóc tách và cắt bỏ khối u xơ, tùy theo các thì phẫu thuật.

Dự kiến lượng máu mất trước, trong mổ để truyền máu. Điều trị phẫu thuật cắt u xơ mạch bằng nội soi ở giai đoạn chưa lan rộng. Mở cạnh mũi và cạnh mũi mở rộng kết hợp nội soi bóc tách lấy bỏ khối u.

Giai đoạn lan rộng vào sọ não không mổ được (có cấp máu của động mạch cảnh trong) có thể điều trị bằng nội tiết tố nữ (oestrogen) và tia xạ.

6.Biến chứng và tiên lượng u xơ mạch vòm mũi họng

- Tiên lượng u xơ mạch vòm mũi họng phát triển ở trẻ nam, tuổi dậy thì, dễ tái phát. Cần mổ triệt để lấy bỏ hết khối u, không bỏ sót chân bám khối u, sẽ tránh được tái phát.

- Biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật như tai biến về gây mê tuột ống thở, tràn khí màng phổi.

-Tai biến chảy máu có thể do động mạch bướm khẩu cái, họng lên. Tai biến chảy máu nặng hơn trong các trường hợp khối u lan rộng vào đáy sọ não, dính vào các nhánh nuôi u từ động mạch cảnh trong. Phải lấy hết khối u thì mới cầm được chẩy máu diện bám. Phải đông điện thật kỹ diện bám u, và các nhánh nuôi dưỡng u. Sau khi nhét bấc mũi tốt mà vẫn chảy máu, hoặc còn chảy nhiều trong, sau mổ sẽ phải kiểm tra bằng chụp mạch và nút mạch, hoặc thắt động mạch cảnh ngoài, hay thắt chọn lọc hàm trong.

-Có thể chảy máu: Phải xem xét đánh giá lượng máu mất để truyền máu, bù máu cho đủ thông số huyết học, điện giải cần thiết. Phải theo dõi chặt mạch huyết áp của chế độ hộ lý cấp I cho các trường hợp chảy máu.

- Tai biến tắc mạch sau nút mạch, như mù (tắc động mạch mắt).

- Dò dịch não tủy: Tai biến này gặp khi khối u đã lan rộng vào đáy sọ (không đúng cho chỉ định nội soi). Do khối u đã lan qua xoang bướm, các thành của xoang bướm, hoặc u phá hủy đỉnh ổ mắt để vào đáy sọ, hoặc u đã phá hủy cánh bướm lớn và nhỏ. Các trường hợp dò dịch não tủy cần phải làm phẫu thuật bít lấp khuyết hở đáy sọ.

- Tụ máu ổ mắt: Trong các khối u đã lan rộng ở vùng xoang sàng, hốc mũi, hay thành trong và đỉnh ổ mắt; ngay cả u còn nhỏ nhưng trong quá trình phẫu thuật bóc tách, có thể bị làm tổn thương cơ trực, các tĩnh, động mạch quanh ổ mắt gây tụ máu quanh ổ mắt. Cần phải kiểm tra cầm máu kỹ lại, thêm thuốc kháng sinh, thuốc cầm máu, giảm phù nề, và chống viêm và đề phòng giao cảm nhãn viêm.

Tóm lại: U xơ mạch vòm mũi họng phát triển ở trẻ nam, tuổi dậy thì, dễ tái phát. Cần được chẩn đoán sớm để mổ nội soi sẽ dễ dàng bóc tách lấy bỏ hết khối u, không bỏ sót chân bám khối u, sẽ tránh được tái phát. Không có biện pháp nào phòng bệnh triệt để. Vì vậy khi có biểu hiện bất thường cha mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị đầy đủ.

Video có thể bạn quan tâm:

Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe


ThS. BS. Bùi Quang Biểu
Ý kiến của bạn