Nhiều người thỉnh thoảng bị ù tai, chóng mặt do chủ quan tưởng công việc, học hành mệt mỏi, stress. Đến khi tình trạng ngày càng nặng, đi khám, các bác sĩ đã phát hiện khối u thần kinh thính giác. Đây là một khối u lành tính ở góc cầu tiểu não. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như liệt các dây thần kinh, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.
Diễn biến âm thầm
U dây thần kinh thính giác hay còn gọi là u dây thần kinh số VIII là một khối u lành tính phát triển chậm, thường phát triển từ dây thần kinh tiền đình hoặc hiếm khi từ ốc tai của ống tai trong. Thường xuất hiện ở một bên tai, không to (chỉ bằng đầu ngón tay hoặc quả trứng gà) nhưng vì nằm trong hố não sau của sọ nên gây nhiều rối loạn nghiêm trọng. U dây thần kinh thính giác chiếm khoảng 8% các loại khối u trong não, thường khoảng trong độ tuổi 30-60 tuổi. Bệnh tiến triển chậm, có thể từ vài tháng đến chục năm, thường là 2 năm. Nếu u còn bé thì các triệu chứng lâm sàng khá kín đáo, rất dễ nhầm với các bệnh khác. Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ.
Khi có biểu hiện ù tai, cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào kích thước khối u, vị trí xâm nhập và sự lan rộng của nó. Ù tai là triệu chứng khởi phát hay gặp nhất, bệnh nhân có cảm giác bị ù tai, tiếp theo là đau đầu, tuy nhiên, đau đầu liên quan đến kích thước khối u nhỏ hay lớn gây chèn ép. Bệnh nhân bị suy giảm dần khả năng nghe một bên. Khối u có thể làm mất khả năng nghe thông qua việc gây tổn thương trực tiếp, dần dần lên thần kinh ốc tai (mất khả năng nghe từ từ) hoặc gây mất thính giác đột ngột hoặc thoáng qua nhưng lặp lại do chẹn cấp máu cho thần kinh ốc tai. Có khoảng 5 - 15% bệnh nhân bị điếc đột ngột, có 3 - 5% bệnh nhân có thính giác bình thường ở thời điểm chẩn đoán.
Nói chung, nhiều bệnh nhân có rối loạn thăng bằng, đau đầu thường xảy ra với các khối u lớn và là đặc trưng nổi bật với các bệnh nhân xuất hiện não úng thủy. Nhiều bệnh nhân bị tê bì mặt, có biểu hiện yếu mặt. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện như rối loạn vị giác (cảm giác vị kim loại) hoặc rối loạn tuyến lệ. Ở một số bệnh nhân, khối u gây liệt dây thần kinh điều khiển vận động mắt làm cho mắt bên bệnh lác vào trong; nhức đầu thành cơn, thỉnh thoảng có những cơn đau dữ dội.
Chẩn đoán sớm cách nào?
Chẩn đoán sớm u dây thần kinh thính giác là yếu tố then chốt để ngăn chặn hậu quả do nó gây ra. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định làm các phương pháp chẩn đoán bệnh như: Chụp sọ qui ước, đo thính lực đồ, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI).
Về điều trị: hiện nay có 3 lựa chọn cơ bản: phẫu thuật, xạ phẫu và theo dõi định kỳ bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, có thể dùng xạ ngoài phân liều hoặc xạ trị proton để điều trị. Đối với một số bệnh nhân cao tuổi với các khối u nhỏ có thể chỉ theo dõi về mức độ tiến triển bằng chụp cộng hưởng từ định kỳ để so sánh, đánh giá.
Tuy nhiên, hiện nay, so với phẫu thuật, ngoài các vấn đề về kích thước tổn thương lớn gây ra các hội chứng cấp đe dọa tính mạng cần phẫu thuật ngay thì xạ phẫu càng ngày càng thể hiện vai trò nổi bật hơn vì tính không xâm lấn, ít biến chứng, đặc biệt là với các tổn thương nhỏ hoặc ở các vị trí phẫu thuật khó khăn. Với các khối u lớn, khó phẫu thuật triệt để thì có thể kết hợp phẫu thuật một phần, sau đó kết hợp xạ phẫu phần tồn dư.
Đối với các khối u lành tính như u dây VIII hoặc các tổn thương khác không phải ung thư, xạ phẫu đóng vai trò hơn hẳn xạ trị đa phân liều vì đặc điểm đáp ứng với tia xạ của nhu mô lành tương đối giống với của tổn thương (xạ trị bằng hình thức đa phân liều thực chất khai thác sự đáp ứng khác nhau giữa các loại tế bào này).