UNBM là một u lành tính, chiếm tỷ lệ cao trong các loại u vùng hàm mặt. Đây là một u có tổ chức học giống men răng, nhưng biệt hóa theo hướng khác không tạo thành men răng mà phát triển thành các u xâm lấn, có thể gây nên những biến dạng hàm mặt nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị phù hợp.
Răng người được cấu tạo theo thứ tự các lớp là men răng, ngà răng và tủy răng:
- Men răng là lớp bao bọc phía ngoài cùng, có thể chịu được những tác động khá lớn từ bên ngoài, được coi là chất cứng nhất trong cơ thể người.
- Ngà răng nằm bên trong men răng, có màu hơi vàng và khá xốp. Ngà răng chứa các đầu nút dây thần kinh nên khá nhạy cảm với các tác động nóng, lạnh bên ngoài.
- Tủy răng là phần trong cùng, được coi như “trái tim của răng”. Đây là phần nhạy cảm nhất của răng, bao gồm ống tủy và các mạch máu, giúp lưu thông, vận chuyển chất dinh dưỡng nuôi răng.
Để tạo thành răng cần sự tham gia của các cơ quan khác nhau trong quá trình tạo răng, trong đó có sự tham gia tạo thành men răng của biểu mô răng. Tuy nhiên, khi xuất hiện tình trạng tăng sinh bất thường của cấu trúc biểu mô tạo men sẽ tạo nên các khối u bất thường với thành phần là các chất tạo men. Trong một số trường hợp tìm thấy ở các tổ chức xương khác; một số bất thường của các biểu mô khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các hình thái UNBM khác nhau.
UNBM có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ, xuất hiện cả hàm trên và duới, nhưng thường xuyên nhất là hàm dưới phía sau. Sự xuất hiện của UNBM ở xương hàm trên được đánh giá là nguy hại hơn do xương hàm có cấu trúc xốp hơn so với cấu trúc xương hàm dưới, nên khả năng phát triển của u sẽ nhanh, xâm lấn mạnh, đồng thời xương hàm trên có nhiều cấu trúc quan trọng khó tiếp cận để phẫu thuật.
Dù phần lớn là dạng u lành tính, tuy nhiên UNBM có khả năng tăng sinh, phát triển và xâm lấn nếu không được theo dõi và phát hiện kịp thời. Một số dấu hiệu bất thường cảnh báo: U phát triển chậm, âm thầm, hầu như như không có dấu chứng cũng như không gây đau, nên thường chỉ phát hiện tình cờ trên phim X-quang chụp thường quy cùng sự hỗ trợ từ kết quả phân tích giải phẫu bệnh. Một số dấu hiệu như xô lệch răng, răng lung lay nhiều, thay đổi hình dạng, kích thước xương hàm hay tê môi… thì đã ở giai đoạn muộn khi u đã phát triển và xâm lấn. Các dấu hiệu này cũng có thể bị nhầm lẫn với một số vấn đề răng miệng khác như nang do răng, viêm nha chu…
Nguyên nhân chính gây nên UNBM vẫn chưa được xác định chính xác. Ở một số nhóm bệnh nhân có các tiền sử như chấn thương vùng hàm mặt, rối loạn dinh dưỡng, bị nhiễm trùng, nhiễm virus… được ghi nhận có tỷ lệ gặp phải UNBM cao hơn so với những người bình thường. Theo phân loại bệnh học, UNBM được phân thành nhiều thể bệnh cũng các phân loại nhỏ hơn trong từng thể bệnh. Với mỗi thể bệnh cũng có sự khác biệt về nguyên nhân, cách điều trị cũng như tỷ lệ tái phát sau điều trị khác nhau. Một số UNBM dạng xâm lấn khối u phải được loại bỏ cùng với 1-2 cm xương lành xung quanh để đảm bảo an toàn, hạn chế tái phát. Một số trường hợp có thể được thực hiện phẫu thuật mở thông túi để giải áp, thoát dịch… để tạo điều kiện cho sự phát triển bình thường của xương, đẩy khối UNBM ra ngoài, chuẩn bị cho phẫu thuật cắt u triệt để nếu cần thiết.
Khám răng định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng
Việc chưa xác định rõ nguyên nhân của bệnh khiến việc điều trị, phòng ngừa gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Hiện nay, UNBM chưa có biện pháp điều trị nội khoa thích hợp. Ngoại khoa là phương án điều trị duy nhất được sử dụng nhằm loại bỏ khối u, chặn đứng sự phát triển và xâm lấn. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân mắc UNBM có thể được phẫu thuật, loại bỏ u mà không ảnh hưởng nhiều đến răng cũng như xương hàm. Nhưng ngược lại có thể phải cắt đoạn xương hàm gây mất thẩm mỹ và cả chức năng ăn nhai.
UNBM có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị, thậm chí sau 10 năm. Do đó, cần phải tái khám theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng sau điều trị.