Hà Nội

U nang buồng trứng có ảnh hưởng sinh sản?

07-01-2020 07:21 | Đời sống
google news

SKĐS - U nang buồng trứng là bệnh mà nhiều phụ nữ mắc phải. Các trường hợp mắc u nang buồng trứng đa số ở dạng lành tính, không nguy hiểm tính mạng.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm là u nang buồng trứng có ảnh hưởng khả năng sinh sản của chị em?

Dấu hiệu u nang buồng trứng dễ nhận thấy

U nang buồng trứng có thể phát hiện sớm qua các dấu hiệu dễ nhận biết:

Đau bụng: là dấu hiệu điển hình và hay gặp nhất khi bị u nang buồng trứng, tuy nhiên, người bệnh lại dễ chủ quan và lầm tưởng với nhiều bệnh khác như u xơ tử cung, viêm cổ tử cung hay các bệnh lý khác có biểu hiện đau ở vị trí tương tự gây ra. Chính điều này đã dẫn đến tâm lý chủ quan, người bệnh không nghĩ mình đang gặp phải u nang buồng trứng. Những cơn đau do u nang buồng trứng thường là đau vùng xương chậu, có thể từng cơn hoặc liên tục, có thể kéo xuống đùi, lan ra thắt lưng. Đau bụng hoặc có cảm giác khó chịu trong tử cung. Đau tức vùng bụng, do khối u phát triển chèn ép gây trướng bụng hoặc cảm giác mệt mỏi khi di chuyển. Các cơn đau bất thường sau khi quan hệ tình dục. Đau bụng lâm râm hoặc cảm giác khó chịu trong âm đạo. Đặc biệt là khi u nang buồng trứng phát triển sang giai đoạn biến chứng thì các biến chứng xoắn u sẽ gây ra hiện tượng đau quặn bụng cấp tính, đau thành từng cơn, diễn biến ngày càng dồn dập và gia tăng về cường độ, thường kèm nôn mửa.

Khi có dấu hiệu u nang buồng trứng, cần đi khám và điều trị kịp thời.

Khi có dấu hiệu u nang buồng trứng, cần đi khám và điều trị kịp thời.

Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt người phụ nữ bình thường có chu kỳ 28-32 ngày và kéo dài từ 4-7 ngày. Nếu kinh nguyệt bất thường (rối loạn cả về thời gian cũng như các đặc điểm của máu kinh: đậm đặc, sẫm đen…), có khả năng là bị u nang buồng trứng.

Căng tức khó chịu vùng bụng dưới: là tình trạng dễ nhận thấy khi bị u nang buồng trứng. Có trường hợp chị em thấy bụng to hơn. Đây là dấu hiệu thường gặp nhất ở đa số các trường hợp bị u nang buồng trứng. Mỗi sáng sớm ngủ dậy ngẫu nhiên cảm nhận: khi lấy tay ấn vào bụng thì thấy trong bụng có khối u cộng thêm cảm giác khó chịu căng tức.

Tiểu khó hoặc đi tiểu thường xuyên: U nang buồng trứng lành tính to lấp đầy khoang bụng làm cho áp lực trong bụng tăng lên, ảnh hưởng đến lưu thông tĩnh mạch chi dưới, khiến bụng căng và phù hai chân, các cơ quan trong vùng chậu bị chèn ép, gây nên đi tiểu khó, đọng nước tiểu, đi tiểu gấp hoặc đại tiện khó… U nang buồng trứng cũng tạo áp lực lớn lên bàng quang, thôi thúc nhu cầu muốn tiểu tiện nhiều hơn.

U nang buồng trứng có ảnh hưởng khả năng sinh sản?

Không hẳn tất cả chị em mắc u nang buồng trứng đều bị ảnh hưởng tới khả năng làm mẹ bởi còn liên quan loại u nang đó.

Nếu là u nang buồng trứng cơ năng hình thành do rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển gồm: nang bọc noãn, nang hoàng thể và nang hoàng tuyến. Đó thường là những nang nhỏ, không có hại, có thể ở một hay ở cả 2 buồng trứng, có thể tự tiêu tan trong vài ba tuần. U nang buồng trứng cơ năng (1 hoặc 2 bên) có thể không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và người bệnh vẫn có thể có con.

U nang buồng trứng thực thể hình thành do những tổn thương nhu mô bình thường của buồng trứng gồm: u nang nhày, u nang nước và u nang bì. Các khối u này thường có kích thước lớn, phát triển lặng lẽ qua nhiều năm, gây ra những biến chứng như xoắn cuống nang, vỡ nang…dẫn tới sẩy thai, đẻ non, có thể chuyển thành ung thư.

Với u nang nước hoặc u đặc, khoảng 95% là những u lành tính. Có khi phải mổ cắt bỏ nang nếu như gây khó chịu, nang to hơn 5cm, người bệnh đã quá 40 tuổi, đau kéo dài hay ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nội tiết.

Trường hợp u nang bì buồng trứng là những u lành nhưng bên trong chứa những mô như móng, răng, xương, tóc, sụn... và cả chất mỡ. Những u này có nhiều kích thước và vị trí khác nhau, thường ở một bên nhưng 25% u có ở cả 2 bên buồng trứng, hay gặp ở phụ nữ trẻ quanh tuổi 30. Nếu u bì nhỏ thì cắt bỏ qua soi ổ bụng, nếu lớn mới cần phải mổ mở. Mục đích của điều trị ngoại khoa là bảo tồn một phần hay toàn bộ buồng trứng tùy thuộc vào vị trí của u nang bì. Nếu còn giữ lại một phần mô lành thì người phụ nữ vẫn rụng trứng, vẫn có kinh và vẫn có thể có thai. Dù rất hiếm nhưng cũng có khoảng 1-3% u nang bì buồng trứng bị ung thư hoá.

Lưu ý: Khi có dấu hiệu bị u nang buồng trứng, chị em nên đi khám bệnh ngay để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể dẫn tới hiếm muộn. Điều này xảy ra là do u nang không được phát hiện sớm, chúng ngày càng phát triển, dần dần âm thầm phá hủy toàn bộ chức năng buồng trứng, u nang to lên cũng gây chèn ép tử cung ngăn chặn trứng gặp tinh trùng khiến phụ nữ khó đậu thai.


BS. TÂM ANH
Ý kiến của bạn