Hà Nội

U nang bã nhờn: Nguyên nhân, biểu hiện và những lưu ý

25-02-2022 07:03 | Ung thư
google news

SKĐS -U nang bã nhờn được gọi là u nang biểu bì hay keratin này rất phổ biến và phát triển chậm. Đây là những cục u nhỏ, phát triển dưới da không gây ra các triệu chứng đau đớn nhưng có thể gây khó chịu ... nên nhiều người thường lo lắng có tiến triển thành ung thư.

1.Tổng quan về u nang bã nhờn

U nang bã nhờn được hình thành từ các tuyến bã nhờn – nơi sản xuất dầu (bã nhờn) tiết ra trên da và tóc. Các nang này phát triển nếu tuyến hoặc ống tuyến bị tổn thương hoặc tắc nghẽn và là một u lành da. Những nang này là tổn thương bất thường trên cơ thể bên trong có chứa chất dạng lỏng hoặc sền sệt. Những tổn thương này thường xuất hiện ở mặt, cổ hoặc thân mình. U nang bã nhờn có đặc điểm phát triển chậm và không nguy hiểm đe doạ tính mạng, nhưng có thể gây khó chịu nếu không được kiểm soát.

Một số trường hợp, có thể cần thăm khám và kiểm tra kĩ càng hơn để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư.

 2.Nguyên nhân của u nang bã nhờn

Có nhiều nguyên nhân gây u nang bã nhờn nhưng nguyên nhân thường là do chấn thương. Chấn thương có thể là những vết cào gãi, một vết thương do phẫu thuật hoặc một bệnh về da – chẳng hạn như mụn trứng cá. U nang bã nhờn phát triển chận, vì thế chấn thương có thể đã xuất hiện vài tuần hoặc vài tháng trước khi u nang được sờ thấy.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác của u nang bã nhờn bao gồm: Ống tuyến bị dị dạng hoặc biến dạng.Tổn thương các tế bào trong quá trình phẫu thuật. Di truyền, chẳng hạn như hội chứng Gardner hoặc hội chứng nevi tế bào đáy.

 3. Dấu hiệu nhận biết u nang bã nhờn

Những nang nhỏ thường không đau. Những nang lớn hơn có thể gây ra tình trạng từ khó chịu đến đau nhiều. Đối với những nang lớn khi xuất hiện trên vùng mặt và cổ có thể gây chèn ép và đau. Một loại của u nang bã nhờn chứa đầy những mảnh keratin màu trắng, đây là thành tố chính cấu tạo nên da và móng do đó hầu hết các nang đều mềm. 

Những vị trí trên cơ thể mà u nang bã nhờn thường xuất hiện: Da đầu, mặt, cổ, lưng… nếu các u này có biểu hiện nhiễm trùng như đỏ, đau, chảy mủ…thì có thể là dấu hiệu của ung thư… cần phải tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Hoặc khối u nang bã nhờn có các đặc điểm bất thường như khối u lớn nhanh hoặc to hơn 5cm, nếu đã cắt bỏ mà tái phát nhanh …cũng cần phải tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

photo-1645610066736

Hình ảnh u nang bã nhờn

4. Chẩn đoán và điều trị u nang bã nhờn

Ngoài các biểu hiện lâm sàng nếu nghi ngờ ung thư các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ và có thể cần phải làm các xét nghiệm bổ sung khác để loại trừ khả năng ung thư. Các xét nghiệm khác cũng cần thực hiện khi người bệnh có nhu cầu phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.

Các xét nghiệm phổ biến dành cho u nang bã nhờn bao gồm: CT scan sẽ giúp các bác sĩ quyết định phương pháp phẫu thuật tốt nhất và cũng để phát hiện các bất thường. Siêu âm giúp xác định thành phần bên trong nang. Sinh thiết, lấy một mẫu mô nhỏ từ nang và kiểm tra tại phòng thí nghiệm để tìm dấu hiệu của ung thư.

 Về điều trị của u nang bã nhờn thì tuỳ thuộc vào từng cá nhân cụ thể. Các phương pháp điều trị có thể sử dụng là dẫn lưu dịch bên trong nang hoặc phẫu thuật loại bỏ nang hoàn toàn. Thông thường u nang sẽ được phẫu thuật loại bỏ vì lí do thẩm mỹ chứ không phải vì chúng nguy hiểm.

Vì hầu hết các nang không gây nguy hiểm cho sức khoẻ nên các bác sĩ sẽ để bạn được lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bản thân.

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu không phẫu thuật cắt bỏ, u nang bã nhờn thường sẽ tái phát. Cách điều trị tốt nhất là chắc chắn loại trừ hoàn toàn u nang thông qua phẫu thuật. Tuy nhiên, một số người quyết định không phẫu thuật vì có thể để lại sẹo.

Bác sĩ có thể sử dụng một trong các phương án để loại bỏ u nang bao gồm:  Cắt rộng, loại bỏ hoàn toàn u nang nhưng có thể để lại sẹo dài. Cắt tối thiếu nhưng sẽ có nguy cơ tái phát.

Laser và cắt với dụng cụ sinh thiết để dẫn lưu các chất bên trong nang ra ngoài ( vỏ bọc của nang sẽ được loại bỏ khoảng 1 tháng sau đó).

Sau khi loại bỏ u nang, bác sĩ sẽ kê thuốc để phòng ngừa nhiễm trùng.. chính vì vậy người bệnh cần tuân thủ chỉ định để vết thương lành hoàn toàn, giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo.

5. Lưu ý

Nhìn chung u nang bã nhờn không phải là ung thư. Các u nang không được điều trị sẽ trở nên rất lớn và cuối cùng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ khi chúng gây khó chịu. Nếu thực hiện phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn hầu như không tái phát.

Cần lưu ý  tuyệt đối không tự thực hiện nặn ép u nang để tránh bị nhiễm trùng, tổn thương. Để phòng bệnh cần chú ý chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học. Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây.  Hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, những đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều gia vị như muối, đường. Nên uống nhiều nước để thanh lọc, giải độc tốt hơn.

U nang bã nhờn không gây nguy hiểm nên mọi người không cần lo lắng. Tuy nhiên, cần đi thăm khám sớm nếu u nang xuất hiện tình trạng đau nhức, nhiễm trùng… để được xử lý hiệu quả, an toàn.  Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể bị nhiễm trùng sau phẫu thuật. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu có bất kì dấu hiệu nhiễm trùng nào như đỏ và đau hoặc sốt. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều ổn định khi sử dụng kháng sinh, nhưng cũng có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách.

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi


BS Phan Vũ
Ý kiến của bạn