Hà Nội

U men răng: Quan trọng là phát hiện sớm

10-10-2018 09:11 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều người thấy mặt tự dưng lệch hẳn sang một bên chỉ nghĩ đơn giản là do trúng gió, sâu răng hoặc nhiễm trùng răng... Đến khi đi khám, mới biết mình bị u men răng, một nửa xương hàm dưới đã bị phá hủy. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Chưa rõ nguyên nhân bệnh

U men là loại u khá phổ biến ở xương hàm mặt, thường hay gặp ở những người trẻ từ 20-30 tuổi. U men chiếm tỉ lệ khoảng 50% trong tổng số các loại u lành tính của xương hàm mặt (không kể nang do răng), có nguồn gốc từ các tế bào tạo ra men răng. Đến nay, y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây u men.

Có hai loại u men là u men thể nang và u men thể đặc. Bản chất của u men là lành tính nhưng có tỉ lệ tái phát khá cao (15-90% tùy loại u men), nếu việc điều trị chỉ khoét u đơn thuần. Do u men thường không gây đau (trừ khi bị nhiễm trùng phụ) nên bệnh nhân có thể chịu đựng được kể cả khi u đã phát triển rất lớn. Chỉ đến khi u quá lớn làm bệnh nhân rối loạn khớp cắn, không nhai được hoặc bị đau do nhiễm trùng phụ mới đi khám. Thường lúc này bệnh ở giai đoạn muộn và phải cắt bỏ đoạn xương hàm do khối u xâm lấn sâu gây phồng xương, biến dạng mặt trầm trọng. Thực tế tại các cơ sở y tế nhiều bệnh nhân để u phát triển rất lớn mới đi khám và điều trị. Trong khi bệnh nhân bị u men khổng lồ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong do tắc nghẽn hô hấp, suy kiệt do ăn uống kém hoặc do các biến chứng khác từ khối u gây ra.

Hiện nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây u men răng.

Hiện nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây u men răng.

Dấu hiệu nhận biết

Ở giai đoạn sớm u phát triển chậm, âm thầm và hầu như không có dấu chứng nào.Thường chỉ phát hiện tình cờ trên phim Xquang chụp thường quy.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phim Xquang để kết luận đó là u men giai đoạn sớm thì không chính xác. Cần kết hợp với kết quả giải phẫu bệnh lý. Ở giai đoạn phát triển u men phát triển theo mọi hướng gây phá hủy xương và các mô xung quanh, làm tiêu ngót chân răng, tê môi cằm… Khi u có kích thước lớn, gây phồng xương. Bệnh nhân thường than phiền biến dạng mặt, mất thẩm mỹ.

Trong miệng, ngách lợi sưng phồng, không đau, bề mặt nhẵn, niêm mạc phủ bên trên bình thường. Răng trên u có thể lung lay hoặc di lệch. Một số trường hợp bệnh nhân than đau, khó chịu và chảy mủ.

Đối với giai đoạn muộn u có kích thước lớn, gây phồng xương nhiều, mặt biến dạng rõ, xương bị phá hủy. Bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức nhiều, răng lung lay nhiều hay bị xô lệch.

Trường hợp u có kích thước lớn, xâm lấn kênh răng, xương hàm dưới bị phá hủy, u có thể gây gãy xương bệnh lý.

Để lại di chứng khi điều trị muộn

Sự phát triển, xâm lấn của u men một cách âm thầm, liên tục, gây biến dạng mặt trầm trọng nếu u lớn. Nếu phát hiện và điều trị muộn, sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém, thậm chí để lại nhiều di chứng như lép mặt, mất nhiều răng, cản trở các chức năng nhai, nuốt, nói... Đặc biệt là khả năng tái phát cao sau điều trị bảo tồn thông thường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, bảo toàn được răng.

Điều đáng nói hiện nay là hầu như người dân không biết tới bệnh này, chỉ thấy răng bị lung lay là nhổ bỏ và khi u to lệch khuôn mặt mới đi khám. Vì vậy có nhiều bệnh nhân điều trị muộn đã để lại nhiều hậu quả, di chứng nặng nề cho bệnh nhân về thẩm mỹ và chức năng. Nhất là ở người trẻ, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó có biện pháp phòng ngừa. Người ta nghi ngờ sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương răng dễ dẫn đến u răng. Vì vậy, để phòng bệnh cần tránh các tổn thương này. Trẻ chậm mọc răng, hàm bị thiếu răng... cần phải đi chụp kiểm tra xem răng nằm ở đâu, có u chèn vào răng hay không.

Ở tuổi trung niên, các bệnh nhân thường cho rằng mình bị sâu răng, răng yếu đi, lung lay và cố chịu đựng hoặc đi nhổ là hoàn toàn không nên. Vì để phát hiện u men răng bệnh nhân phải được chụp Xquang toàn bộ xương hàm mà điều này thì không phải phòng khám nào cũng đáp ứng được.

Đặc biệt, khi có bất kỳ các biểu hiện bất thường nào như: răng lung lay, xương hàm lệch, có biểu hiện viêm xoang, viêm mũi... cũng cần đi chụp Xquang để kiểm tra. Người dân cũng cần lưu ý đi khám răng định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần.

Ở cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt có đầy đủ thiết bị và uy tín để phát hiện sớm ra bệnh nếu có.


BS. Nguyễn Thu Huyền
Ý kiến của bạn