U máu và những khó khăn trong điều trị

11-03-2009 06:10 | Tin nóng y tế
google news

Mặc dù báo SK&ĐS đã đưa tin và ảnh nhưng khi gặp anh Thanh ở Khoa phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện 103, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.

Mặc dù báo SK&ĐS đã đưa tin và ảnh nhưng khi gặp anh Thanh ở Khoa phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện 103, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.

Ca bệnh nghĩa tình

 Khối u của anh Thanh sau khi được nút mạch lần 3.
Sinh năm 1971 tại Gio Linh - Quảng Trị trong một gia đình thương binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam, từ nhỏ anh Thanh đã mang một khối u máu bên dưới cằm nhưng vì gia đình nghèo khó, bố mất sớm (khi anh mới 10 tuổi), mẹ sức khỏe yếu, anh trở thành lao động chính để nuôi hai em gái còn nhỏ nên không có cơ hội điều trị. Mãi đến năm anh 19 tuổi, được sự động viên của anh em họ hàng, làng xóm, gia đình đã đưa anh đi khám tại Bệnh viện Trung ương Huế và được chẩn đoán anh mắc bệnh u máu. Tại đây, anh đã được phẫu thuật hai lần và kết hợp tiêm xơ nhưng không khỏi. Bệnh tái phát và khối u to dần, hoàn cảnh của anh đã khó khăn càng khó khăn hơn. Cách đây 5 năm, anh Thanh có cơ hội điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy- TP. Hồ Chí Minh nhưng lúc này khối u đã quá to, răng hàm dưới bên trái đã rụng hết, ăn uống khó khăn nên không điều trị được nữa. Ngày 7/1/2009, anh đến Bệnh viện 103 với thân hình gày gò, sức khỏe yếu, khối u chiếm gần hết vùng cổ và hàm dưới, răng hàm dưới bên trái rụng hết do u máu khổng lồ thông động tĩnh mạch vùng cổ mặt bẩm sinh.

U máu khổng lồ có thường gặp?

U máu thường gặp ở trẻ em, hầu hết các trường hợp xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc những tuần đầu sau sinh. Người ta thường chia u máu thành ba loại: u máu mao mạch, u máu dạng hang hay dạng tĩnh mạch, u máu hỗn hợp. Những u máu dạng hang thường lớn, nổi gồ lên trên bề mặt da, u thường lan rộng, lấn dưới mô da, cơ và có thể làm biến dạng các vùng lân cận. Loại u máu dạng hang còn có thể thấy ở các nội tạng hay trong não. Theo các chuyên gia cho biết thì u máu phát triển nhanh trong giai đoạn từ 8-18 tháng tuổi, sau đó phát triển chậm lại và có thể hết khi trẻ 6-8 tuổi nhưng trong những trường hợp đặc biệt, do vị trí khu trú, kích thước khối u, sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, nếu can thiệp ngoại khoa trong điều trị u máu sẽ rất phức tạp và có nguy cơ tái phát cao, có thể gây tử vong do chảy máu, hơn nữa sẽ để lại những vết sẹo xấu. Trường hợp của anh Thanh, các thầy thuốc đã lập một kế hoạch điều trị chi tiết. TS. Hoàng Mạnh An cho biết: Đầu tiên, chúng tôi thực hiện chụp mạch và làm tắc mạch, chẹn nguồn máu nuôi dưỡng khối u. Anh Thanh đã được thực hiện thủ thuật này 3 lần tính đến khi phẫu thuật. Tiếp đó, phẫu thuật bóc tách khối u là khâu quan trọng nhất. Sau khi được làm một loạt các xét nghiệm cần thiết như chụp mạch, chụp cắt lớp vi tính 64 dãy... chúng tôi quyết định sẽ can thiệp toàn bộ khối u máu thuộc phần mềm và can thiệp phần xương nếu cần. Trong quá trình phẫu thuật, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ nhân lực đến lượng máu để truyền nên không có bất ngờ nào xảy ra và bệnh nhân đã được truyền một lượng máu cấp tốc khá lớn khi phẫu thuật khối u bên trái. Bước cuối cùng là tạo hình xương hàm.

 Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt khối u cho anh Thanh. Ảnh: Trần Văn Bản
Hiện nay, anh Thanh vẫn đang được điều trị vật lý trị liệu 2 lần/ngày để nhanh chóng hồi phục vì những trường hợp u máu sau mổ, khả năng trở lại bình thường tại chỗ mổ thường lâu hơn những ca bệnh khác. Cho đến nay, kinh phí điều trị và giường bệnh của anh Thanh đã lên tới gần 200 triệu đồng và được bệnh viện miễn phí hoàn toàn.

Khi còn mang khối u khổng lồ trên cổ, anh Thanh lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, tự ti nên đến nay, khi đã gần 40 tuổi mà anh vẫn “phòng không nhà trống”. Giờ khối u đã được cắt bỏ, anh Thanh lại có thể mong ước về một cuộc sống bình dị như bao người với mái ấm gia đình nhỏ bé của mình. Và tôi nghĩ tương lai đó của anh không còn xa nữa.

Lê Việt Thi


Ý kiến của bạn