U máu ở đùi có nguy hiểm?

27-06-2016 15:18 | Phòng mạch online

SKĐS - Em bị u máu ở đùi, tuy nó không to thêm nhưng em cũng rất lo lắng vì nghe nói mạch máu ở đùi là mạch máu lớn không nên phẫu thuật. Xin bác sĩ cho biết phương pháp nào điều trị bệnh này?

Hoàng Thị Thúy (hoangthuy@gmail.com.)

Bệnh u máu là tình trạng phát sinh một khối dạng u do sự tăng sinh quá mức của mạch máu gây nên. Khối u có đặc điểm như một khối u thông thường nhưng chúng có thêm một đặc điểm đặc trưng là chứa đầy mạch máu và máu. Khác với các khối u phần mềm khác, thường to lên và phát triển theo thời gian, u máu thì đa phần lành tính và tự khỏi. U máu có ba dạng cơ bản là u mao mạch, u dạng hang và u hỗn hợp. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong cơ thể miễn là tại vị trí đó có nhiều mạch máu. Nhưng thường thì u máu xuất hiện ở da là chủ yếu. Chỉ một phần nhỏ xuất hiện trong nội tạng. Thông thường, người ta thấy u máu xuất hiện ở mặt, đầu, cổ, mông, đùi. U máu thường ít khi gây biến chứng trừ một số trường hợp, chẳng hạn như u máu ở hầu họng có thể gây ra khó thở khi chúng quá to, u máu ở tim có thể làm giảm lưu thông tuần hoàn qua tim do u máu chiếm chỗ, u máu trong cột sống có thể làm yếu xương, u máu ở mắt có thể làm suy yếu thị lực, u máu trong gan có thể làm tắc một vài vi quản mật... Như trên đã nói, u máu đa phần lành tính và không cần điều trị đặc biệt. Nhưng cũng có những u máu không nhỏ đi mà tồn tại như một khối u thực sự. Trong trường hợp này, nên phẫu điều trị. Hiện nay có 3 phương pháp điều trị là dùng thuốc, laser và phẫu thuật cắt bỏ. Nói chung, các can thiệp trong những trường hợp này thường không quá phức tạp. Bạn nên đến khám ở viện da liễu để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.


BS. Vũ Lan Anh
Ý kiến của bạn