U máu

09-10-2015 10:57 | Đời sống

SKĐS - U máu là tình trạng những mạch máu trong da phát triển quá mức thành khối u bẩm sinh lành tính, xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở đầu, mặt, cổ. Bệnh thường xuất hiện vào tuần thứ 2 hay thứ 4 sau khi trẻ ra đời. Tùy từng thể bệnh, u có thể phát triển chậm hay nhanh, biểu hiện dưới nhiều dạng và kích thước khác nhau.

Các loại u máu thường gặp

• U mao mạch do mạch máu trong lớp nông nhất của da bị giãn ra và dị dạng. Loại u này phổ biến nhất và được gọi là u máu dâu tây, gặp nhiều ở trẻ đẻ non, hầu hết chỉ bị ở một vị trí trên cơ thể.

• U máu ngọn lửa là một bớt phẳng màu tía, đỏ hoặc hồng, xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh, ở vị trí sau cổ, mặt, da đầu, mí mắt. Nguyên nhân là do giãn các mạch máu dưới da và không nguy hiểm gì.

U máu hang (u mạch dưới da) tạo thành những chỗ phồng, màu xanh tím, lúc đầu phát triển nhưng sau nhỏ lại. Loại u này có thể phát triển xâm lấn vào niêm mạc miệng, họng, amiđan hoặc xương hàm.

• U mạch máu hỗn hợp xảy ra khi xuất hiện hai loại u máu trên một cơ thể.

Cách phòng chống

Thông thường, u máu phát triển đến khi trẻ được 18 tháng thì thoái lui và mất dần sau khoảng 3-10 năm. U máu ngọn lửa thường mờ đi và biến mất sau 6-13 tháng. Nếu u mao mạch thì chỉ khoảng 50% trường hợp tự biến mất trong vòng 5-9 năm. Một số u máu lớn, ở vị trí đặc biệt có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ, thậm chí cả tính mạng của trẻ.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị: tiêm xơ, tia xạ, laser, liệu pháp corticoid, áp nitơ lỏng hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Việc điều trị dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc vào từng thể bệnh, nơi khu trú của u máu.

U máu

 


Ý kiến của bạn