U gan là gì?
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, giúp đào thải độc tố ra ngoài, đồng thời cũng góp phần tiêu hao thức ăn và dự trữ năng lượng.
Trong một số trường hợp, có một số tế bào gan phát triển bất thường và hình thành các khối u, các u này gọi là u gan. U gan có 02 lại là u gan lành tính và u gan ác tính.
- U lành tính: Không phải ung thư, chẳng hạn u mạch máu gan (hemangioma). Đây là trường hợp u lành tính rất thường gặp trên người bình thường khi được làm siêu âm kiểm tra gan.
- U ác tính: Đây là ung thư gan, do sự phát triển một cách vô tổ chức, không kiểm soát được của các tế bào gan bất thường, lâu ngày sẽ dẫn tới chèn ép các tế bào gan bình thường, xâm lấn nội tạng xung quanh, thậm chí di căn tới các cơ quan khác, kết cục là tử vong sớm nếu không được điều trị.
Trong đó, u gan ác tính còn được gọi là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
- Ung thư gan nguyên phát: Khối u có nguồn gốc tại gan được hình thành do một số nguyên nhân như: Bệnh nhân mắc xơ gan do virus viêm gan B, C, xơ gan do rượu, bệnh viêm gan B & C mạn tính, bệnh béo phì, tiểu đường type 2, hay một số lý do sử dụng rượu quá nhiều, nhiễm độc khi sử dụng thực phẩm nấm mốc…
Về bản chất tế bào thì người ta chia ra nhiều loại, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma, viết tắt HCC).
- Ung thư gan thứ phát: Còn gọi là ung thư di căn gan, nếu khối u xuất phát từ những cơ quan khác (dạ dày, phổi, vú, đại tràng,...) rồi sau đó di chuyển đến gan. Cách điều trị những trường hợp ung thư di căn gan có nguyên tắc là vừa điều trị khối u tại gan, vừa phải tìm đúng nguồn gốc của tế bào ung thư để điều trị theo đúng nguồn gốc thì mới tránh được tái phát. Chẳng hạn, đối với ung thư đại tràng di căn gan thì cần điều trị theo phác đồ điều trị ung thư đại tràng, đối với ung thư phổi di căn gan thì phải điều trị theo phác đồ ung thư phổi.
U gan có ảnh hưởng gì tới sức khỏe?
U gan hình thành do sự tập hợp của các tế bào bất thường ở gan tạo nên khối u gan khiến gan không thể thực hiện được chức năng đầy đủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
– Đối với u gan lành tính
Khối u gan lành tính bao gồm u tuyến tế bào gan, u máu, u mỡ, nang gan, u tuyến tế bào gan, u tuyến dạng nang, tăng sản thể nốt khu trú… Trong số này, chỉ có u tuyến mới có nguy cơ chuyển thành ung thư. Sự biến đổi ung thư từ một u tuyến là rất hiếm và thường chỉ xảy ra khi nó đã phát triển rất lớn.
U gan lành tính thường chỉ cố định tại vị trí khởi phát, không có khả năng di chuyển, lan rộng và xâm lấn. Hầu hết các trường hợp u gan lành tính đều tiến triển khá chậm và gần như không gây biến chứng gì.
U gan lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh bởi không gây ảnh hưởng đến tế bào khác, không có khả năng di căn. Do đó, về cơ bản, loại u gan này không cần điều trị, song cần theo dõi và can thiệp khi có biến chứng vỡ nang, xuất huyết trong khối u,…
Phần lớn người bệnh u gan lành tính không có triệu chứng rõ ràng, đa số được phát hiện một cách tình cờ trong những lần đi thăm khám một bệnh nào đó khác và thực hiện siêu âm chẩn đoán.
– Đối với u gan ác tính
U gan ác tính còn gọi là ung thư gan nguyên phát (nghĩa là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào gan), các tế bào ung thư có khả năng phát triển, lan rộng và di căn đến bộ phận khác. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B, C, D và có thói quen uống rượu, dẫn tới xơ gan và cuối cùng là ung thư gan (tỷ lệ 80%). Ngoài ra, còn có trường hợp do bẩm sinh, là dạng ung thư gan phát triển chậm.
U gan ác tính sẽ có dấu hiệu nhận biết rõ ràng hơn u gan lành tính, đặc biệt là khi ở trong giai đoạn tiến triển như: Vàng mắt, vàng da, đau bụng dữ dội phần bên phải, bụng phình to, giảm sụt cân nhanh chóng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn nhanh no…
U gan ác tính là căn bệnh nguy hiểm, tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng như suy gan, suy thận, di căn tới những cơ quan khác trên cơ thể, làm suy yếu sức khỏe tổng quát. Nếu bệnh nhân được phát hiện trong giai đoạn sớm, kích thước khối u vẫn còn nhỏ, có khả năng sống trên 5 năm lên đến 80% sau điều trị.
Tuy nhiên đại đa số người bệnh phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn nặng, gặp khó khăn trong điều trị, cơ hội sống thấp. Việc điều trị cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối mục đích là làm giảm triệu chứng, kéo dài thêm thời gian sống. Thời gian sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chỉ còn 3%.
Như vậy, có thể nói, khi được chẩn đoán u gan chúng ta không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Mức độ nguy hiểm của u gan là tùy thuộc vào loại u nào. Và điều quan trọng cần tuân thủ mọi chỉ định của các bác sĩ. Không tự điều trị, không điều trị theo mách bảo.
Nếu có các dấu hiệu bất thường như: sụt cân nhanh, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt,… nên sớm đi thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về gan mật để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.