Ðủ cơ sở khẳng định các bị cáo phạm tội

10-12-2014 12:18 AM | Thời sự

SKĐS - Ngày 9/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm với phần tranh tụng.

Ngày 9/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm với phần tranh tụng. Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã kêu oan cho thân chủ của mình và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại. Trong ngày xét xử trước đó, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân  Tối cao đã phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của cả 6 bị cáo.

Sau phần luận tội của đại diện VKS, HĐXX đã dành thời gian để các luật sư có phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm. Theo đó, các luật sư đã kêu oan cho thân chủ của mình là bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đề nghị HĐXX bác toàn bộ bản án dành cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Trong phần bào chữa cho thân chủ Nguyễn Đức Kiên, HĐXX liên tục nhắc các luật sư tập trung vào từng vấn đề để trình bày, phần nào đã được trình bày với HĐXX trước đây thì nên cắt bỏ.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa.

Tiếp đó, luật sư Nguyễn Đình Hưng đã tiến hành bào chữa cho thân chủ của mình là bị cáo Lý Xuân Hải. Về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, theo luật sư Nguyễn Đình Hưng thì chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. “Về phần các nhân viên mang số tiền 718 tỉ đồng đi gửi tại Ngân hàng Công Thương, sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt thì hiện phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như chưa diễn ra nên chưa thể xác định được có thiệt hại hay không nên tôi đề nghị HĐXX xem xét hủy một phần bản án sơ thẩm đối với các bị cáo về tội danh này, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho biết. Cùng đó, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ cho thân chủ Lý Xuân Hải) rất mong đại diện VKS tranh luận với các luật sư và để HĐXX xem xét đúng người, đúng tội để không oan cho các bị cáo. Theo luật sư Lưu Văn Tám, thân chủ của ông là bị cáo Lý Xuân Hải đang bị buộc tội “cố ý làm trái” với 2 hành vi: Một là cùng thường trực HĐQT ủy thác cho các nhân viên mang tiền đi gửi tại các ngân hàng khác và buộc tội thân chủ của ông là chưa thỏa đáng theo các quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.

Trước đó, vào ngày 8/12, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Sau khi đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án, các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên lần lượt trình bày bài bào chữa cho thân chủ. Tại phiên tòa, sau khi nêu lại những nhận định chính của cáo trạng, đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã phạm các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái. Các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn phạm tội cố ý làm trái như án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, “không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo, đề nghị xem xét lại phần tội danh của các bị cáo” - VKS khẳng định. Về hình phạt, VKS cho rằng khi quyết định hình phạt, tòa sơ thẩm đã đánh giá tính chất, vai trò, mức độ và thủ đoạn phạm tội của các bị cáo. Tòa cũng đã xem xét đầy đủ về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Từ đó, tòa quyết định hình phạt về từng tội danh đối với từng bị cáo như vậy là thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào khác nên yêu cầu của các bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

Đối với kháng cáo của Công ty Thiên Nam, do đã rút toàn bộ nội dung kháng cáo ở phần xét hỏi nên đại diện VKS đề nghị tòa án đình chỉ xét xử đối với kháng án của doanh nghiệp này. Còn về kháng cáo của Công ty B&B cho rằng doanh nghiệp không trốn thuế nên không phải bị truy thu toàn bộ số thuế đã trốn hơn 25 tỷ đồng và cũng không phải bị phạt bổ sung hơn 75 tỷ đồng, đại diện VKS khẳng định không có cơ sở xem xét và cũng đề nghị tòa án bác bỏ kháng cáo này.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng, quan điểm của VKS lặp lại quan điểm của án sơ thẩm, không cập nhật diễn biến của phiên phúc thẩm. Các luật sư của bầu Kiên sau khi trình bày bài bào chữa đều kiến nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội, tuyên bố bầu Kiên không phạm cả bốn tội bị truy tố và đình chỉ vụ án.

Bản án sơ thẩm số 219/2014/HSST của TAND TP. Hà Nội đã xử phạt bị cáo Nguyễn Ðức Kiên với tổng hợp hình phạt cả 4 tội danh là 30 năm tù giam. Ngoài hình phạt chính, cấp tòa sơ thẩm còn tuyên hình phạt bổ sung đối với bị cáo Kiên là cấm đảm nhiệm chức vụ về lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong thời gian 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Ðối với bị cáo Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo Ngân hàng ACB), cấp tòa sơ thẩm đã tuyên bố cùng phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời lần lượt xử phạt các bị cáo từ 2 - 8 năm tù giam.

Phong Hiếu

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH