BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế đã nhấn mạnh nội dung này tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững" do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức hôm nay, 4/7.
Tại lễ mít tinh, Cục trưởng Lê Thanh Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả triển khai thực hiện công tác dân số của TP Hà Nội.
Theo ông Dũng, "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển" là một trong những quan điểm chỉ đạo được khẳng định trong Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Đầu tư cho công tác dân số không chỉ mang lại lợi ích về mặt xã hội mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và toàn cầu được nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế và các hội nghị dân số trong nước.
Để tiếp tục làm tốt công tác này, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để quán triệt sâu sắc hơn Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Cùng đó, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch của Thành ủy Hà Nội và kế hoạch của UBND thành phố về công tác dân số; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo dân số của thành phố và các cấp, đưa công tác dân số thành một nội dung quan trọng trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, thanh niên. Đề cao trách nhiệm, tăng cường tham gia phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội luôn quan tâm và chú trọng tới công tác dân số và phát triển. Trong đó, đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.
Nhiều đề án, kế hoạch được ban hành và triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn đã mang lại kết quả rõ rệt; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đều tăng so với năm trước và nhiều năm tăng liên tiếp; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh liên tục giảm.
Ngoài ra, nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay công tác dân số vẫn đang đứng trước những khó khăn, bất cập mới như: tỷ lệ tăng dân số hàng năm ở mức cao cũng tạo ra những áp lực không nhỏ cho công tác dân số và sự phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Trong khi đó, theo ông Chung một bộ phận người dân còn tâm lý muốn có nhiều con, nhất là vẫn còn tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước, tuy đang có xu hướng giảm nhưng không bền vững.
Bên cạnh đó, tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức cần phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sau đó sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn thành phố.