Hà Nội

Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái

09-12-2022 22:26 | Y tế

SKĐS - Hà Nội đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Thông tin trên được đưa ra tại sự kiện phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững" do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức.

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tỷ số giới tính khi sinh đạt  từ 104-106 bé trai trên 100 bé gái là mức tỷ số sinh đẻ "tự nhiên" bình thường.

Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021 mới công bố cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái. Chênh lệch cao nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ số giới tính khi sinh thấp hơn ở miền Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng nông thôn khu vực Tây Nguyên.

Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái
 - Ảnh 1.

Hà Nội đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. (Ảnh: minh hoạ)

Tại Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm dần qua các năm. Với nhiều giải pháp, Hà Nội đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ trai được sinh ra trên 100 trẻ gái trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm), là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 - 106 trẻ trai/100 trẻ gái.

Các chuyên gia cho hay, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng như: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình; có thể có sự gia tăng về đường dây buôn bán phụ nữ…

Mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới, ưa thích con trai. Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 208 về triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh  của TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Hàng năm, 30 quận, huyện, thị xã đều chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh. Song song với đó, ngành dân số - kế hoạch hoá gia đình Thủ đô cũng nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, tập trung vào những huyện có mức chênh lệch trẻ trai cao hơn nhiều so với trẻ gái.

Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái
 - Ảnh 2.

Truyền thông nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn Hà Nội.

Ví như UBND Quận Hoàn Kiếm đã ban hành Kế hoạch số 35 về thực hiện các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái.

Để đạt được mục tiêu đó, UBND - Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận xác định một số giải pháp: Tăng cường vận động, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với các đối tượng là người cao tuổi, nhất là người cao tuổi sinh con 1 bề gái, các cặp vợ chồng sinh con 1 bề gái thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm y tế, dân số;  Phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái của các gia đình sinh con 1 bề gái...

Sáng 9/12: Gần 70 ca COVID-19 nặng thở oxy, thở máy; Bộ Y tế bãi bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luậtSáng 9/12: Gần 70 ca COVID-19 nặng thở oxy, thở máy; Bộ Y tế bãi bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luật

SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng; Việt Nam đã tiêm hơn 264,8 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương tiêm chậm; Bộ Y tế bãi bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luật; Hà Nội bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh...

Thái Bình
Ý kiến của bạn