Trong các bài đăng trên nền tảng X, tỷ phú Musk không chỉ mô tả F-35 như một chương trình lỗi thời mà còn kêu gọi chấm dứt dự án này, một động thái táo bạo khiến giới quốc phòng Mỹ và các nhà thầu lớn phải giật mình.
Tỷ phú Elon Musk viết trên mạng xã hội X: "Một số kẻ ngốc vẫn chế tạo tiêm kích F-35".
F-35: Biểu tượng công nghệ hay 'hố đen' ngân sách?
F-35 được xem là chương trình vũ khí tham vọng nhất của quân đội Mỹ, với chi phí dự kiến vượt 1.000 tỷ USD trong suốt vòng đời. Tuy nhiên, trong mắt tỷ phú Elon Musk, dự án này không phải là biểu tượng của sức mạnh công nghệ mà lại đại diện cho sự lãng phí và kém hiệu quả trong đầu tư quốc phòng.
Theo tỷ phú Musk, thiết kế của F-35 là kết quả của việc cố gắng đáp ứng quá nhiều yêu cầu khác nhau từ các quân chủng, dẫn đến một sản phẩm "đa năng" nhưng không vượt trội ở bất kỳ khía cạnh nào.
Ông nhấn mạnh rằng, trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và công nghệ không người lái, các chiến đấu cơ có người lái như F-35 đang dần trở nên lỗi thời.
"Các máy bay chiến đấu truyền thống không chỉ kém hiệu quả mà còn đặt sinh mạng phi công vào tình thế nguy hiểm không cần thiết", ông nhận định.
Những 'vết sẹo' trong hành trình của F-35
Ngay từ khi khởi động, chương trình F-35 đã gặp phải hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, từ chi phí vượt mức cho đến lỗi kỹ thuật khó khắc phục. Dự án này đã trễ tiến độ hơn một thập kỷ và đội vốn ít nhất 180 tỷ USD.
Một báo cáo gần đây cho thấy F-35 vẫn đối mặt với nhiều hạn chế như độ tin cậy thấp, khó bảo trì và tính sẵn sàng chiến đấu chưa đáp ứng yêu cầu.
Dù vậy, trong các bài tập thực chiến, F-35 lại ghi điểm với tỷ lệ tiêu diệt đối phương lên tới 20:1, vượt trội so với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ trước. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: liệu F-35 có thực sự xứng đáng với mức đầu tư khổng lồ?
Tỷ phú Elon Musk tin rằng tương lai của các chiến dịch hiện đại nằm ở các đội hình máy bay không người lái (UAV), được trang bị trí tuệ nhân tạo. Ông nhấn mạnh, những chiếc UAV nhỏ, giá rẻ và dễ sản xuất có thể thực hiện các nhiệm vụ như thả bom hay mở rộng tầm bắn tên lửa hiệu quả hơn nhiều so với máy bay có người lái.
Xung đột tại Ukraine đã cho thấy tiềm năng to lớn của công nghệ UAV. Cả Nga và Ukraine đều đang mua sắm hàng triệu UAV mỗi năm, sử dụng chúng trong các nhiệm vụ trinh sát và tấn công. Điều này chứng minh rằng các đội hình UAV có thể đóng vai trò thiết yếu trong các chiến dịch hiện đại.
Hiện tại, số lượng UAV mà Mỹ đặt hàng chỉ tính bằng hàng nghìn, trong khi các quốc gia khác đã mua sắm hàng triệu chiếc. Nếu tầm nhìn của tỷ phú Musk trở thành hiện thực, quân đội Mỹ sẽ phải điều chỉnh chiến lược, giảm số lượng chiến đấu cơ truyền thống như F-35 và đầu tư mạnh vào công nghệ không người lái.