Thấu hiểu và xoa dịu nỗi đau những bệnh nhân nghèo
Nụ cười phúc hậu, ánh mắt sáng ấm áp và gần gũi là cảm nhận của nhiều người lần đầu tiên gặp thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Càng tiếp xúc với anh, càng cảm nhận được sự chân thành, hết mình của anh dành cho người bệnh nghèo.
Tốt nghiệp đại học, anh Lê Minh Hiển về công tác tại Khoa Xét nghiệm - huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, vừa làm việc anh vừa tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng trong phong trào đoàn thanh niên. Năm 2008, đơn vị Y - Xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy (tiền thân của Phòng Công tác xã hội) được thành lập và anh Hiển là người đầu tiên của Phòng Công tác xã hội được giao nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo.
Sau những chuyến đi khám bệnh miễn phí cùng các bác sĩ khoa Tim ở các tỉnh, hình ảnh những bệnh nhân nghèo không có tiền khám chữa bệnh luôn ám ảnh anh Hiển. Từ đó, anh đặt ra quyết tâm phải làm gì đó để chia sẻ giúp họ. Anh thấu hiểu được những khó khăn của những người nghèo. Đơn cử như lần theo đoàn đi khám ở Bến Tre, anh Hiển gặp trường hợp một bé gái trong 2 năm được khám sàng lọc 3 lần nhưng khi biết dự trù kinh phí mổ tim lên đến hàng trăm triệu, gia đình không lo được.
"Mình không thể quên hình ảnh ánh mắt buồn rầu của bé gái đó và ba bé. Mình đã cùng các anh em khoa Tim, quyết tâm tìm cách đưa bé về Chợ Rẫy mổ sớm", anh Hiển xúc động nhớ lại và đưa cho tôi xem bức ảnh anh chụp cháu bé đó anh vẫn lưu trong điện thoại.
Ánh mắt buồn rầu của hai cha con bé gái bị bệnh tim không có đủ tiền để mổ khiến anh Hiển ám ảnh và tìm mọi cách đưa bé về Chợ Rẫy mổ tim, ca mổ đã diễn ra thành công. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đến giờ anh Hiển không thể nhớ và thống kê được anh đã tham gia bao nhiêu chuyến đi khám ở vùng sâu vùng xa, giúp đỡ được bao nhiêu người cụ thể. Mỗi người là mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện. Điều đọng lại sâu sắc trong anh nhất là những ánh mắt trẻ thơ buồn rầu muốn cầu cứu, những thân phận nghèo khó không có tiền chữa bệnh, khát khao muốn níu kéo sự sống...
Chia sẻ với tôi, anh Hiển nói, trong hàng ngàn trường hợp bệnh nhân nghèo đã gặp, anh vẫn nhớ mãi về trường hợp bé gái ở Trà Vinh. Bữa đó, anh Hiển theo đoàn bác sĩ khoa Tim xuống khám, khi nhìn thấy bé gái bị sứt môi, bản thân anh cũng có con gái nên rất thương. Anh quay sang hỏi mẹ bé: "Bé là con gái, sao chị không cho con đi mổ môi?" thì mẹ bé gái đó trả lời: "Bé bị tim anh ạ". Bỗng chốc anh Hiển thấy mình "ngớ ngẩn, vô duyên bởi rõ ràng bé gái đang đi khám tim cơ mà". Sau đó, anh đã nỗ lực tìm mọi cách để cho bé gái đi mổ tim và tiếp đó mổ sứt môi. Hiện giờ, bé gái đó đã học lớp 5, khỏe mạnh, tự tin với nụ cười của mình.
Mẹ con bé gái mắc bệnh tim bẩm sinh ở Hậu Giang giơ tay chào anh Lê Minh Hiển để ngày hôm sau lên Bệnh viện Chợ Rẫy mổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hay là trường hợp bé Như Ý ở Bến Tre, mắt rất sáng, kháu khỉnh, bị bệnh tim bẩm sinh, được anh Hiển đưa về mổ tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bé rất quý anh, đợt dịch COVID-19 năm ngoái, bé cứ thắc mắc với mẹ: "Mẹ ơi! Sao lâu rồi không đi khám bệnh" để được gặp bác Hiển. Lâu lâu bé lại nhắc mẹ gọi điện cho bác Hiển. "Con tôi thường xuyên nhắc đến bác Hiển, mỗi lần đến bệnh viện, cháu đòi gặp bác Hiển đầu tiên rồi sau đó mới chịu đi khám bệnh", chị Nguyễn Thị Mộng Tiền chia sẻ.
Đó là câu chuyện của nữ bệnh nhân tên Hương, quê ở Bình Thuận, bị suy tim giai đoạn cuối, quả tim chỉ hoạt động 14%, có thể đột tử bất cứ lúc nào. Chị Hương phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp tim. Quá trình điều trị tim lâu dài và tốn kém, vợ chồng chị Hương phải vay mượn, nợ nần rất nhiều. Vào tháng 4/2018, khi đang ở quê, vợ chồng chị Hương bất ngờ được bác sĩ Chợ Rẫy gọi điện thông báo có trường hợp hiến tim phù hợp. Sau phút vui mừng, nỗi lo tiền bạc ập đến vợ chồng chị Hương bởi họ quá nghèo. Phút chốc, người phụ nữ từ chối ghép tim vì sợ vay mượn hơn 500 triệu đồng trả chi phí phẫu thuật.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân, anh Hiển cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã động viên chị Hương phẫu thuật ghép tim trước, chi phí tính sau. Cố gắng vay mượn khắp nơi, cuối cùng vợ chồng chị Hương lên xe mà trong túi chỉ có được 15 triệu đồng. Chính anh Hiển là người đứng đầu quyên góp các mạnh thường quân được gần 400 triệu đồng tiền mổ tim cho chị Hương. Và cứ mỗi lần đi tái khám, hai vợ chồng chị Hương lại qua Phòng Công tác xã hội gặp anh Hiển và lần nào cũng xách theo vài chai nước mắm nhà làm để làm quà tặng "của ít lòng nhiều".
Đây chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ trong hàng nghìn trường hợp bệnh nhân nghèo được anh Hiển giúp trong nhiều năm qua. Kể từ khi gõ cửa Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, rất nhiều người bệnh nghèo đã được hỗ trợ viện phí, thoát khỏi bệnh nguy kịch, giành lại sự sống để họ trở về với gia đình.
Mặc dù khối lượng công việc khổng lồ nhưng suốt hơn 10 năm qua, anh Lê Minh Hiển vẫn cần mẫn dành hai ngày nghỉ cuối tuần về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung tham gia công tác tầm soát và phẫu thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh nhân bị bệnh u sợi thần kinh có hoàn cảnh khó khăn.... để đưa về Chợ Rẫy phẫu thuật miễn phí.
Chăm lo cho người hiến tạng
Bên cạnh vai trò là trưởng phòng Công tác xã hội, anh Hiển còn đảm nhiệm Phó trưởng đơn vị điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo đó, anh Hiển phụ trách mảng truyền thông để thông tin quá trình bệnh nhân hiến ghép mô tạng và chăm lo hậu sự cho người hiến tạng.
Chia sẻ với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, anh Hiển nói rằng, công tác lo hậu sự và tri ân người hiến tạng là rất mới mẻ, chưa có sách vở và lý thuyết nào đề cập. Anh Hiển đã đề xuất phòng tổ chức và Đơn vị điều phối ghép tạng cấp giấy chứng nhận hiến tạng trao ngay tại lễ tang người hiến tạng. Đó là điều thiêng liêng, để thông báo với cộng đồng rằng đây là nghĩa cử cao quý của người hiến và dập tắt thông tin đồn thổi gia đình bán tạng. Việc làm này để tri ân người hiến tạng, khiến lễ tang trang trọng, giảm nỗi đau đối với thân nhân.
Bất kỳ ca hiến tạng nào ở Bệnh viện Chợ Rẫy đều có sự xuất hiện của anh Hiển. Nếu TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy) là người kề cận bệnh nhân ở trong phòng mổ thì anh Hiển là người ở vòng ngoài sát cánh với người nhà hiến tạng. Phòng làm việc của anh là nơi để người nhà người hiến tạng cần bất cứ thứ gì có thể ghé qua hỏi. Chính anh Hiển là người thông báo cho gia đình người hiến tạng biết được bệnh nhân mất giờ nào để biết thời gian chuẩn bị. Theo đó, người hiến tạng sẽ được mặc trang phục theo tôn giáo phù hợp và những đơn vị mai táng chuyên nghiệp chăm sóc cho cơ thể người hiến một cách chu toàn nhất. Cũng tại phòng làm việc của anh Hiển, qua các câu chuyện thân tình, từ đây, sự kết nối giữa thân nhân người hiến và nhân viên phòng CTXH thêm gắn bó.
Tỷ phú 0 đồng
"Tiếng lành đồn xa", anh Lê Minh Hiển và Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã trở thành "chiếc phao cứu sinh", nơi nương tựa của rất nhiều các bệnh nhân không chỉ riêng ở TP.HCM mà còn là ở các tỉnh, thành phía Nam. Đây cũng là nơi tin cậy hàng đầu để các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trao gửi niềm tin, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo.
14 năm nay, không kể ngày đêm và không ngại mưa nắng, chính nhờ sự tận tụy và uy tín của mình, anh Hiển cùng các nhân viên phòng Công tác xã hội đã vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp được hơn 100 tỉ đồng để điều trị, phẫu thuật miễn phí cho hơn 10.000 bệnh nhân nghèo, trong đó có hàng trăm trẻ em bị tim bẩm sinh, dị tật hở hàm ếch.
Những việc làm, đóng góp trên là rất lớn nhưng anh Hiển luôn tự nhận đó là việc làm nhỏ, không phải là điều gì to tát: "Mình không có duyên để làm giàu và làm những việc lớn cho xã hội nên mình cứ làm những việc nhỏ nhỏ, ít ít và chút chút cũng được", anh Hiển cười hiền nói.
Anh Hiển trong chuyến công tác năm 2018 tại tỉnh Kon Tum. Anh được mẹ con bệnh nhân quý mến, trước khi về bé hôn “bác Hiển”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được mọi người yêu quý và đặt cho nhiều danh xưng như: "ông bụt", "thần may mắn", "người nối nhịp cầu".... anh Hiển bảo, anh vẫn thích mọi người gọi mình là "tỷ phú 0 đồng" nhất vì nó gần gũi.
"Trong khoảng thời gian may mắn làm công tác xã hội, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, mọi người hay gọi tôi là tỷ phú 0 đồng. Bởi vì nhiều người cho là tôi rất giàu do có quá nhiều bảng vàng để ngoài cửa và trong phòng. Tính ra các bảng vàng đó càng ngày càng nhiều lên", anh Hiển dí dỏm cho biết nguồn gốc vì sao mọi người lại gọi anh là "tỷ phú 0 đồng", nghe qua tưởng chừng đối lập nhưng hiểu thì sẽ thấy nó rất thân thiện, ý nghĩa.
Cùng với hoạt động vận động trợ giúp viện phí cho người bệnh, anh Hiển cùng đồng nghiệp triển khai thực hiện một loạt các chương trình nhân văn khác, năm sau nhiều hơn năm trước. Chính anh là người đề xuất thành lập nên gian "Bếp yêu thương", mỗi ngày cung cấp gần 5000 suất ăn miễn phí cho người bệnh và thân nhân của họ. Và suốt 13 năm qua, chưa có một vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Cách đây hơn 1 năm, một hoạt động mang dấu ấn của anh Lê Minh Hiển đã ra đời dành riêng cho bệnh nhân ung thư tại Khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy là chương trình "Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư". Theo đó, các hoạt động được triển khai gồm: nhạc nhẹ hòa tấu giúp người bệnh thư giãn trong thời gian truyền thuốc, màn hình chiếu phim giải trí, kệ báo, wifi.... Đặc biệt, mỗi ngày Phòng Công tác xã hội đều cho nhân viên phục vụ người bệnh nước uống, bánh và trái cây miễn phí vào khung giờ 8 giờ và 15 giờ với tinh thần phục vụ mỗi bệnh nhân ở đây như là một hành khách ngồi trên ghế máy bay hạng thương gia để "nối nhịp sống, chở niềm tin" cho họ.
Là nhà hảo tâm đã đồng hành cùng anh Hiển và phòng Công tác Xã hội từ những ngày đầu thành lập đến nay hơn 12 năm, chị Đặng Thị Tuyết Mai (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, lần đầu chị gặp anh Hiển còn trẻ và rất dễ thương. Qua năm tháng đồng hành cùng anh Hiển và phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị càng thêm quý mến anh.
"Hiển có tấm lòng rất tốt, rất năng nổ, nhiệt tình, đi đến đâu cũng được mọi người yêu quý và tiếp đón nồng hậu. Nếu Hiển không trung thực, không minh bạch, không giỏi sẽ không lấy được lòng tin của mọi người và không thể đứng vững đến thời điểm này. Tôi biết nhiểu ca mổ tim khó khăn, như ca của nữ bệnh nhân bán vé số chỉ có được 3 triệu mà anh Hiển kêu gọi mạnh thường quân đã được hơn 400 triệu đồng. Và cũng chính tôi tận mắt chứng kiến nhiều người ở dưới quê bị bệnh, mỗi lần từ quê lên tái khám là ghé phòng gửi cho anh Hiển cá linh, bông điên điển, bưởi, xoài.... Nhiều bệnh nhân khi lành bệnh, họ quay trở lại bệnh viện, họ dẫn con theo khoanh tay cảm ơn Hiển. Như vậy là đủ thấy tấm lòng của bà con đối với Hiển như thế nào", chị Mai chia sẻ.
Trong mắt chị Đặng Thị Tuyết Mai – nhà hảo tâm đồng hành cùng Phòng Công tác Xã hội từ những ngày mới thành lập đến nay, anh Lê Minh Hiển rất năng nổ, nhiệt tình, được mọi người yêu quý và tin tưởng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở TP.HCM, anh Hiển và đội ngũ nhân viên Phòng Công tác Xã hội đã làm việc hết mình, là hậu phương để cho các y bác sĩ cũng như các bệnh nhân dựa vào trong thời gian khó khăn này.
Chị Lê Thị Cương Khanh, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, tham gia chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nhớ lại, "thời điểm đó cách ly xã hội, việc mua bán rất là khó khăn. Khi các bệnh nhân nói "chị Khanh ơi, em cần sữa/em cần mì ly, xà phòng giặt, kem đánh răng, băng vệ sinh.... là mình gọi anh Hiển và anh luôn trả lời "Ok, anh sẽ cố gắng sớm nhất cho em". Chỉ cần 1 câu nói đó của anh Hiển thôi là tôi đã vui và yên tâm rồi. Nếu không có anh Hiển và Phòng Công tác xã hội thì chúng tôi không biết làm sao. Đó là người đã tiếp thêm tinh thần, động lực cho chúng tôi quên đi mệt mỏi, vất vả khi tham gia chống dịch".
Với lòng tận tâm, thạc sĩ Lê Minh Hiển đã làm được nhiều điều có ích cho bệnh nhân nghèo, giúp mọi người có sức khỏe, cuộc sống tốt. Gần 15 năm gắn bó với nghề công tác xã hội, anh Hiển được đồng nghiệp và bệnh nhân tin yêu, quý mến. Vốn là người xây dựng nền móng Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng anh Hiển không nhận công về mình. Anh cho rằng, đó là công sức của lãnh đạo bệnh viện và đóng góp của các đồng nghiệp trong phòng.
Ngoài bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, anh Hiển còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen từ Bộ Y tế, Thành ủy, được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng. Tuy nhiên, với anh Hiển, điều hạnh phúc nhất là khi được những bệnh nhân thông báo đã khỏe, vượt qua giai đoạn khó khăn để có cuộc sống mới tốt hơn cùng những yêu thương nho nhỏ là động lực mỗi ngày
Anh Hiển tâm sự, dù có được lựa chọn lại, anh Hiển vẫn chọn làm nghề công tác xã hội và mỗi ngày khi trở về nhà, được chợp mắt, cảm giác rất thoải mái và ngày hôm sau lại bắt đầu một hành trình mới đầy năng lượng. Niềm vui của anh là muốn được nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân mỗi khi xuất viện. Anh cũng hy vọng mình có sức khỏe để đi hết các hành trình, phục vụ và giúp bệnh nhân nghèo cho đến khi không cần nữa.