Hà Nội

'Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở VN ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á"

PGS.TS. Trần Đắc Phu

PGS.TS. Trần Đắc Phu

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

14-11-2017 12:34 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017 dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt có những quốc gia có số mắc rất cao.

Tại Việt Nam, SXH có tăng, tập trung tại các tỉnh miền Nam và miền Bắc (chủ yếu ở Hà Nội) nhưng do triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nên dịch giảm mạnh liên tiếp trong 12 tuần gần đây. Trong tuần từ 30/10 đến ngày 5/11, cả nước ghi nhận 2.744 trường hợp mắc, không có ca tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận số mắc/100.000 dân có xu hướng tăng như: Campuchia, Lào, Philippines, Malaysia, Việt Nam.

Tại Việt Nam, tỷ lệ chết/mắc: Việt Nam thuộc nước thấp nhất so với các nước khu vực Đông Nam Á và khu vực châu Mỹ La tinh (Việt Nam là 0,02; các nước khác tỷ lệ này ghi nhận từ 0,1-0,3)

Hồi tháng 7/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia S. Subramaniam đã lên tiếng kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi dịch SXH đang hoành hành tại quốc gia này. Đến thời điểm này Malaysia đã ghi nhận 51.000 ca SXH với 122 người tử vong.

Số ca mắc và tử vong của năm nay hầu hết vượt hơn so với năm ngoái trong khi mùa dịch SXH phải kéo dài thêm vài tháng nữa. Trên website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Sri Lanka cũng xác nhận nươc này có 80.732 ca SXH, trong đó có 215 trường hợp tử vong. 6 tháng đầu năm Myanmar cũng ghi nhận 54 người tử vong, 10.101 người mắc SXH…

Bộ trưởng y tế Malaysia cảnh báo, dịch SXH năm nay có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp. Đó là xuất hiện các biến chứng nặng của bệnh như xuất huyết đa cơ quan, gây biến chứng lên tim, gan, thận, chính vì thế việc điều trị bệnh sốt xuất huyết khó khăn hơn so với trước.

PV: Xin ông cho biết tình hình bệnh SXH ở Việt Nam cũng như trên thế giới diễn biến phức tạp như thế nào trong thời gian vừa qua?

PGS.TS Trần Đắc Phu: SXH là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Hiện bệnh đang lưu hành trên 128 quốc gia với khoảng 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Ước tính mỗi năm có khoảng 390 triệu trường hợp mắc. Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước bị SXH nặng nề, từ năm 1980 trở lại đây số mắc SXH đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước.

Năm 2017, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á dịch bệnh SXH có xu hướng gia tăng so với năm 2016, như Lào, Campuchia, Philippines và Việt Nam, khu vực châu Mỹ số mắc vẫn còn ở mức rất cao so với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt có những quốc gia có số mắc rất cao như Brazil, Nicaragua.

PGS.TS Trần Đắc Phu.


Tình hình SXH ở Việt Nam trước đây có thể nói là rất nặng nề, đặc biệt năm 1987 với gần 400.000 trường hợp mắc và 1500 trường hợp tử vong, chỉ giảm trong 10 năm trở lại đây với trên dưới 100.000 trường hợp mắc hàng năm. Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 137.997 trường hợp mắc SXH, 30 trường hợp tử vong. Ghi nhận chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh ở khu vực miền Bắc. Trong 10 tỉnh có số mắc cao nhất, miền Nam chiếm chủ yếu (06): TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng; tiếp đến là miền Bắc (03) Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa; miền Trung (01): Đà Nẵng. Trong đó TP. Hà Nội và TP. HCM có số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước.

Tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội ghi nhận 32.260 bệnh nhân mắc SXH, 7 trường hợp tử vong, số mắc và tử vong đứng đầu cả nước và có xu hướng gia tăng nhanh trong tháng 7 và tháng 8. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 582/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 99.8% số xã, phường) có bệnh nhân; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ 2016 (1.828). 12 quận, huyện có số mắc cộng dồn từ đầu năm cao nhất là: Hoàng Mai (4.747); Đống Đa (4.477), Hai Bà Trưng (2.820), Thanh Xuân (2.580); Hà Đông (2.405); Thanh Trì (2.189); Cầu Giấy (2.067); Ba Đình (1.654); Nam Từ Liêm (1.202); Thanh Oai (1.023); Thường Tín (832); Hoàn Kiếm (746).

PV: Ông có đánh giá như thế nào về nguyên nhân gây bùng phát SXH? Có ý kiến cho rằng đó là do sự chủ quan của ngành y tế, điều này liệu đã xác đáng?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi xin khẳng định, ngành y tế không chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Ngay từ những tháng đầu năm ngành y tế đã tham mưu giải quyết tình hình dịch, có các công văn gửi UBND các tỉnh thành phố, các ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tổ chức hội nghị, hội thảo phòng chống dịch trong đó đặc biệt quan tâm đến SXH, và triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch.

Dịch SXH tại TP. Hà Nội bùng phát năm 2017 có thể do các nguyên nhân: Tính chu kỳ theo năm (1998, 2009, 2017), sau một vài năm Hà Nội không có dịch nên miễn dịch tại cộng đồng giảm hẳn; sự quay trở lại của tuyp vi rút D1 sau 8 năm (2009); tăng quần thể cảm thụ bệnh: Tỷ lệ dương tính với tuyp vi rút D1 thấp ở các năm trước (2011-2015).

Cũng qua theo dõi năm 2017 gần như không có mùa lạnh trong mùa xuân, nhiệt độ cao trong những tháng mùa xuân khiến dịch bệnh dễ bùng phát. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến môi trường, các dụng cụ phế thải không được xử lý, vấn đề biến động dân cư, di cư, đô thị hóa… khiến tình hình dịch SXH phức tạp.

Tuy nhiên, do triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì đến thời điểm hiện tại có thể nói, SXH giảm hẳn và chúng ta đã gần như khống chế hoàn toàn dịch SXH trong thời gian gần đây. Để hỗ trợ TP. Hà Nội rà soát, xem xét lại các hoạt động đã triển khai và đề xuất những hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch nhằm khống chế sự bùng phát dịch trên địa bàn thành phố, ngày 31/8/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3986/QĐ-BYT thành lập “Hội đồng đánh giá kết quả đáp ứng phòng chống dịch SXH trong thời gian qua và tư vấn hoạt động phòng chống dịch SXH trong thời gian tới trên địa bàn TP. Hà Nội”. Hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực dịch tễ học, côn trùng và lâm sàng, cùng với các chuyên gia của WHO và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa kỳ (USCDC).

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống SXH tại Nam Định, tháng 9/2017.


PV: Chuyên gia WHO cũng nhận định rằng: “Phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm chung của cả cộng đồng”. Theo ông thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể trong phòng chống dịch bệnh thế nào? Bài học rút ra trong phòng chống SXH là gì thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể trong phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Hà Nội sau khi huy động toàn bộ hệ thống vào cuộc như Cấp ủy Đảng, chính quyền UBND thành phố cho đến xã phường vào cuộc thì tình hình dịch bệnh cải thiện mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai phòng chống SXH của thành phố, đặc biệt trong công tác xử lý ổ dịch SXH của TP. Hà Nội: Chỉ đạo điều hành, phối hợp liên ngành và huy động các nguồn lực (đội xung kích diệt bọ gậy và phun hoá chất diện rộng) và cung cấp đủ kinh phí cho phòng chống dịch SXH. Vì vậy dịch SXH tại Hà Nội đã giảm rất nhanh số mắc tuyệt đối ở tất cả các quận/huyện có dịch.

Thứ 2 là vai trò của cộng tác viên xã, phường rà soát dụng cụ chứa nước, vận động người dân thực hiện phòng bệnh, diệt lăng quăng, bọ gậy là vô cùng quan trọng. Bài học thành lập Đội xung kích là hiệu quả lớn trong việc phòng chống SXH dựa vào cộng đồng của Hà Nội.

Để bảo đảm dịch SXH không có đỉnh dịch thứ hai vào tháng 11-12/2017, đồng thời năm 2018 không có dịch lớn xảy ra, theo tôi, cần tăng cường, duy trì công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành để bảo đảm công tác chống dịch có hiệu quả ngay. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh: tập huấn cho cán bộ giám sát dịch tễ và côn trùng; hoàn thiện quy trình giám sát véc tơ, xác định ngưỡng cảnh báo dịch; nâng cao tỷ lệ xét nghiệm trong chẩn đoán khẳng định ca bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và cảnh báo dịch; giám sát huyết thanh học xác định miễn dịch quần thể; xây dựng cẩm nang phòng chống sốt xuất huyết cho tuyến cơ sở. Tăng cường phân tuyến để thu dung điều trị bệnh nhân chống quá tải của các bệnh viện tuyến cuối. Thực hiện các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định 176/2013/NĐ-CP). Xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về sinh thái học và mô hình dự báo bệnh SXH ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Dương Hải (thực hiện)
Ý kiến của bạn