Tỷ lệ trẻ sinh non tại Tây Nguyên vẫn tăng cao

02-01-2023 16:10 | Y tế

SKĐS - Hành trình để đưa những em bé sinh non từ lồng kính trở về với vòng tay gia đình không chỉ là cuộc đua với thời gian của các bác sĩ mà còn là cuộc chiến vượt qua thử thách đầu đời để giành lấy sự sống bằng chính nghị lực sống mạnh mẽ của các em nhỏ.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong 6 năm qua đã có 325 trẻ sơ sinh non tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được cứu sống, trở về với gia đình và phát triển khỏe mạnh. 
Với tinh thần nhiệt huyết và bằng kinh nghiệm của mình, các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh của BV vẫn đang ngày đêm nỗ lực, túc trực, miệt mài chăm sóc, đồng hành cùng các em bé sinh non để giành sự sống. 

Do là khoa chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân là những trẻ sinh non, yếu ớt nên vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa đặc biệt được chú trọng, người nhà bệnh nhi không được vào chăm sóc, vì vậy tất cả mọi công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhi như truyền dịch, truyền thức ăn cho trẻ, tắm rửa, thay tã… đều do các bác sĩ, điều dưỡng thực hiện. Không kể ngày hay đêm, các y, bác sĩ phải theo dõi liên tục diễn biến sức khỏe của trẻ để kịp thời xử lý những tình huống bất thường có thể xảy ra.

Tỷ lệ trẻ sinh non tại Tây Nguyên vẫn tăng cao - Ảnh 1.

Trẻ sinh non được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh QN

Gắn bó với việc chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã hơn 10 năm, điều dưỡng Đặng Thị Bích Ngọc cho biết: "Quá trình công tác tôi thấy tình hình trẻ sinh non tháng ngày càng gia tăng và chiều hướng tuổi thai thấp cũng nhiều hơn khiến cho việc chăm sóc trẻ theo đó cũng khó khăn và áp lực hơn. Tuy nhiên, hiểu rõ những thiệt thòi mà các em phải chịu, thấu hiểu những lo lắng và sự hi vọng của các cha mẹ đang ngày đêm mong ngóng con, dù công việc có vất vả, chúng tôi vẫn nỗ lực cố gắng đồng hành cùng các bé".
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ sinh non được phân loại theo tuổi thai là những trẻ chào đời khi dưới 37 tuần tuổi thai và được chia thành 4 nhóm: cực non (dưới 28 tuần), rất non (từ 28 đến dưới 32 tuần), non vừa (từ 32 đến dưới 34 tuần) và non muộn (từ 34 đến dưới 37 tuần). Trẻ sinh càng non thì càng có nhiều nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này. Nếu được chăm sóc tốt, 90% trẻ sinh non có cơ hội tiếp tục sự sống. Vì vậy, cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị để giúp trẻ vượt qua thử thách đầu đời này.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, số lượng trẻ sinh non vẫn còn nhiều và ngày một gia tăng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sinh non gia tăng, bác sĩ Dũng nhận định nguyên nhân có thể do tình trạng dinh dưỡng khi mang thai chưa tốt, chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc chưa hợp lý, khám thai chưa đầy đủ làm gia tăng tình trạng sinh non. 

Khi trẻ sinh non, tuổi thai chưa đủ nên các cơ quan trong cơ thể của trẻ chưa phát triển toàn diện, nhất là phổi. Ở em bé tuổi thai càng nhỏ phổi cũng chưa hoàn thiện, trong khi đó, phổi là bộ phận rất quan trọng giúp trao đổi khí. Khi sinh non sẽ có nguy cơ gây tình trạng suy hô hấp ở trẻ. 

Bên cạnh đó, gan và nhiều cơ quan khác cũng chưa trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến vấn đề miễn dịch của em bé khiến em bé dễ bị nhiễm trùng sơ sinh, mắc một số bệnh lý và để lại những di chứng nặng nề như bệnh lý võng mạc, thính giác, trí não.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bác sĩ Dũng khuyến cáo đối với các bà mẹ chuẩn bị mang thai nên tầm soát sức khỏe sinh sản cho cả bố và mẹ để loại trừ các dị tật bẩm sinh có thể xảy ra cho trẻ. 

Khi đã mang thai nên tuân thủ thời gian khám thai định kỳ, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất và đặc biệt nên hạn chế làm các công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến vấn đề mang thai. Trong trường hợp việc dự phòng sinh non bất khả kháng, gia đình nên chọn nơi sinh uy tín, có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị chuyên dụng và đội ngũ dưỡng nhi chuyên môn cao để có thể chăm sóc tốt nhất cho bé ngay khi vừa chào đời.





T.Thủy
Ý kiến của bạn