Ngày 10/11/2023, tại TPHCM, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tham dự hội nghị có ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế; Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies); Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, đứng trước nguy cơ những tổn thất về sức khỏe do tác hại của thuốc lá gây nên, nhất là những nguy cơ, hiểm họa từ các sản phẩm thuốc lá mới đối với giới trẻ hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy rằng, việc nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là biện pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.
Th.S Đào Thế Sơn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) cho biết, hiện nay, những nước đang phát triển như Việt Nam vốn có tỷ lệ thuốc lá truyền thống vẫn cao, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sẽ luôn nhắm vào thế hệ trẻ để quảng cáo. Các sản phẩm thuốc lá điện tử thực chất là những sản phẩm độc hại mới, nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới đối với giới trẻ, tạo ra gánh nặng rất lớn cho Việt Nam.
Theo điều tra thuốc lá người trưởng thành toàn cầu PGATS 2020, 52% người trong độ tuổi 15-24 từng nghe tới thuốc lá điện tử; 7,3% người trong độ tuổi 15-24 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử và nơi mua thuốc lá điện tử nhiều nhất là trên Internet (25%).
Điều tra thuốc lá thanh thiếu niên GYTS 2022 (13-15 tuổi) thì tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%. Mạng Internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (22,1%). Và kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất là mạng xã hội.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, hiện nay, đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Các sản phẩm này có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Một số loại ma túy sử dụng cùng thuốc lá điện tử khi thử test không phát hiện được ngay mà phải cần rất nhiều xét nghiệm chuyên sâu mới phát hiện được.
Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
"Có thể thấy, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ", ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.