Tỷ lệ phát hiện bệnh lao ở Việt Nam có xu hướng giảm mạnh giữa dịch COVID-19

17-08-2020 17:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp phát hiện lao đã giảm mạnh, tới 11% so với năm 2019. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới công tác phòng chống lao

Đây là thực trạng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.  Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)  đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy rằng tử vong do lao  sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020. Con số này tương ứng với mức tử vong toàn cầu do lao vào năm 2015, một bước lùi nghiêm trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao của WHO.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia phát biểu tại hội nghị

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2019).

Không thể phủ nhận, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đối với công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và các hoạt động phòng chống lao nói riêng.  PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhất, chỉ giảm 11% tỷ lệ phát hiện bệnh lao, các dịch vụ khác vẫn được duy trì tốt, thuốc chống lao vẫn được cung cấp tới người bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, BV Phổi Trung ương cho biết, giảm phát hiện bệnh lao nhiều nhất rơi vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4, sau đó tăng trở lại vào tháng 5 và 6. Trong 6 tháng qua, thu nhận bệnh nhân giảm nhiều nhất ở miền Bắc và miền Nam, trong khi miền Trung giảm thu nhận thấp nhất. Tất cả những thay đổi số liệu này tương ứng với diễn biến  tình hình dịch bệnh COVID-19  ở các vùng miền nước ta vào giai đoạn trước.

Hội nghị sơ kết dự án phòng chống lao 6 tháng đầu năm 2020

Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ sở y tế vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng. Nhiều đơn vị đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn...). Bên cạnh đó, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm có thể lên đến 30%-50% ở nhiều nơi.

Chống lao tương tự như chống COVID-19

Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia nhận định, lao và COVID-19 có nhiều điểm tương đồng cả về căn nguyên, sinh bệnh học và hậu quả của nó, nhất là đường lây. “Muốn giải quyết được nguồn lây phải “bắt được” chính xác con virus đấy’’, PGS Nhung nhấn mạnh. Cũng giống như COVID-19, cần tăng cường phát hiện chủ động bệnh lao.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia

PGS Nhung cho biết, cuối năm nay, chúng ta cũng sẽ dừng nhận hỗ trợ từ quỹ Toàn cầu chuyển sang giai đoạn mới. “Do đó, tôi cho rằng, quan trọng nhất để thành công trong phòng, chống lao là phải bảo đảm có được sự lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhất từ Trung ương tới địa phương một cách tốt nhất. Chỉ có cam kết chính trị mới có thể thành công trong công cuộc phòng chống lao”.  Hiện nay vẫn còn 15 bệnh viện tuyến tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa triển khai công tác chống lao. Đây  là một khó khăn rất lớn cho công tác phòng chống lao.

Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia cho biết, chỉ còn 5 tháng nữa sẽ kết thúc năm tài khóa 2020,  các địa phương cần tăng cường phát hiện chủ động bệnh lao. Chương  trình tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV, đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực như phát hiện chủ động bệnh nhân lao cho các nhóm nguy cơ, cộng đồng dân cư tại các khu vực khó tiếp cận, tăng cường sàng lọc chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ, mở rộng triển khai kiểm soát lây nhiễm lao.

Ngoài ra, chương trình vẫn không ngừng nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trong phòng chống lao tại Việt nam. Tiến độ thực hiện các can thiệp phòng chống lao sẽ được theo dõi liên tục để rà soát tỷ lệ giải ngân và có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo không để thất thoát nguồn kinh phí được hỗ trợ cho người bệnh và các nhóm dễ tổn thương.


Hải Yến
Ý kiến của bạn