Chia sẻ tại Hội thảo về bệnh béo phì ngày 4/3, TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết so sánh với một số nước Đông Nam á, tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam dù thấp nhất nhưng tốc độ gia tăng đang nhanh chóng do sự thay đổi lối sống, chế độ ăn, giảm hoạt động thể lực.
Theo một nghiên cứu tại 11 nước châu Á (trong đó có Indonesia, Nhật Bản,…) đo hoạt động thể lực qua đếm bước chân hàng ngày, cho thấy mỗi ngày mỗi người Việt chỉ đi 3.600 bước, chỉ bằng 1/3 mức tiêu chuẩn 10.000 bước. So sánh trong 11 nước, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước lười vận động nhiều nhất.
Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng mới nhất cho thấy, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng 2,2 lần trong 10 năm.
Cụ thể, năm 2010, có 8,5% trẻ thừa cân, béo phì, nhưng tới năm 2020, con số tăng lên 19%. Trong đó, tỷ lệ này ở thành thị là gần 27% còn ở nông thôn, miền núi lần lượt là 18,3% và 6,9%. Đáng nói, 53% phụ huynh không biết con mình thừa cân hoặc béo phì, không ít người cho rằng đó là "béo đẹp, béo tốt", theo TS Bảy.
Dù tỷ lệ người béo phì tăng nhanh đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên nhưng Việt Nam chưa có bất kỳ trung tâm điều trị béo phì chuyên biệt, hoàn chỉnh nào. Thực tế, người bệnh béo phì đang điều trị tại các khoa như: Nội tiết, tim mạch, ung thư; tại các khoa phẫu thuật tiêu hoá, các khoa/trung tâm dinh dưỡng... Một số người tự điều trị (theo phương pháp truyền miệng, trên mạng hoặc tự mách nhau...) thậm chí không điều trị.
Bệnh thừa cân, béo phì được phân loại bằng chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng cơ thể. BMI sẽ được tính theo công thức: trọng lượng cơ thể của 1 người (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét).
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành, trừ người có thai, nếu có BMI trong khoảng 25 – 29,9 được xem là thừa cân, BMI > = 30 được xem là béo phì.
Theo TS Bảy, một trong những rào cản lớn của vấn đề này là Việt Nam không có thầy thuốc được điều trị chuyên về béo phì, cùng đó thiếu các chuyên khoa hỗ trợ như dinh dưỡng, tâm lý, cũng như không có sự phối hợp giữa các chuyên khoa...
Để điều trị béo phì, không ít người dân, đặc biệt là phụ nữ tìm đến các loại thuốc giảm cân mong sớm đạt được thân hình như ý. Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở khám chữa bệnh thực tế đã tiếp nhận không ít ca bệnh phải cấp cứu vì thuốc này.
Mới nhất, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nữ bệnh nhân 43 tuổi ở Quảng Ninh phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày, thực quản ngực chỉ vì uống thuốc giảm cân.
Chị này kể đã mua 2 lọ thuốc giảm cân được quảng cáo 100% từ thảo dược, giá 500.000 đồng/hộp. Từ một người hoàn toàn khoẻ mạnh, nặng 70kg, chị giảm 35 kg chỉ trong 2 tháng, nhưng cơ thể suy kiệt nghiêm trọng.
Được đưa tới viện cấp cứu, chị phải phẫu thuật 5 giờ đồng hồ, cắt bỏ toàn bộ dạ dày, thực quản ngực và tạo hình đường tiêu hoá trên bằng hồi đại tràng phải. Sau mổ, chị phải nằm viện trong 3 tháng với chi phí rất lớn.
Các chuyên gia tại Hội thảo khẳng định béo phì là một bệnh mạn tính, cần được điều trị sớm. Một hướng dẫn Quốc gia về béo phì ở Việt Nam là điều cần thiết cũng như thiết lập các trung tâm điều trị béo phì liên chuyên khoa… Hiện nay trên thế giới và Việt Nam đã có những loại thuốc hỗ trợ bệnh nhân béo phì để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng an toàn cần có sự tư vấn và hướng dẫn của các bác sĩ. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn hướng điều trị hợp lý.