Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa cao, vì sao?

05-08-2015 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mặc dù tỷ lệ sinh viên tăng đều qua các năm nhưng Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam...

Mặc dù tỷ lệ sinh viên tăng đều qua các năm nhưng Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn đánh giá con số 3,2 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) chưa tham gia BHYT là cao...

Những bất cập từ thực tiễn

Thực trạng trên cho thấy công tác tuyên truyền để HSSV và các bậc phụ huynh hiểu về BHYT chưa đạt yêu cầu. Con số 20% số HSSV chưa tham gia BHYT (tương đương 3,2 triệu HSSV) cho thấy một nghịch lý là đối tượng truyền thống, tiềm năng nhất của BHYT bắt buộc lại có mức bao phủ chưa vượt trội so với các nhóm đối tượng khác. HSSV là thế hệ tương lai cần chăm sóc sức khỏe, có trình độ để tiếp thu tuyên truyền nhưng lại chưa quan tâm đến một chính sách quan trọng về sức khỏe. Mặc dù tỷ lệ sinh viên tăng đều qua các năm nhưng ông Phạm Lương Sơn đánh giá con số 3,2 triệu HSSV chưa tham gia BHYT là cao.

BHYT cho HSSV là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Ảnh: TM

Bàn về vấn đề này, tại Hội nghị về thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015, khi đánh giá nguyên nhân tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV chưa đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, nguyên nhân chính là do: việc tập trung sinh viên khó khăn do nhiều lớp học theo tín chỉ; một số HSSV gia đình khó khăn; trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường chưa cao trong tuyên truyền về BHYT... Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một nghịch lý khác là tình trạng sinh viên gia cảnh không khó khăn nhưng vẫn chưa tham gia BHYT. Từ đó, yêu cầu ngành giáo dục phải làm rõ số đối tượng HSSV còn lại chưa tham gia BHYT thuộc diện nào, có khó khăn hay không để có giải pháp tuyên truyền hoặc hỗ trợ phù hợp.

Một trở ngại khác của BHYT HSSV là cơ chế tài chính hỗ trợ chưa phù hợp. Theo quy định của Luật BHYT hiện nay, HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30%, HSSV tự đóng 434.700 đồng/năm. Với những gia đình kinh tế khó khăn, mức đóng này là cao so với mức cũ là 289.800 đồng. Một cán bộ BHXH tỉnh Cao Bằng cho biết, mức đóng mới này tại khu vực thành phố ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng là rất cao, do đó cần có sự điều chỉnh để HSSV vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được hỗ trợ nhiều hơn. Cùng quan điểm này, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, mức hỗ trợ của ngân sách đồng đều 30% là chưa hiệu quả. BHXH Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nâng lên hoặc có thể vẫn duy trì 30% nhưng khu vực thành thị 20%, dành 50% cho các đối tượng HSSV khó khăn ở khu vực nông thôn.

Giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho các trường về tỷ lệ HSSV tham gia BHYT?

Ðánh giá về hiệu quả của chính sách BHYT với đối tượng HSSV, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nếu nhìn ở thời điểm hiện tại, BHYT HSSV là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, nhưng nhìn xa hơn thì đấy chính là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Nếu nhìn nhận như thế, để chính sách BHYT cho HSSV thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Ngành BHXH được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chính sách. Ở địa phương nào, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ học sinh tham gia nhiều hơn. Muốn học sinh, cha mẹ các em được tuyên truyền một cách hiệu quả nhất về chính sách BHYT cần phải thông qua nhà trường. Hoạt động y tế nhà trường hiệu quả cũng là cách thúc đẩy học sinh tham gia BHYT.

Để tạo sự chuyển biến trong công tác BHYT HSSV, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thông tư về BHYT để ban hành và áp dụng trong năm học tới, trong đó giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho các trường và kết quả thực hiện sẽ là tiêu chí đánh giá thi đua của nhà trường và rèn luyện của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị nâng mức vay tín dụng cho sinh viên từ 1,1 triệu đồng/tháng/người lên 1,3 triệu đồng để sinh viên có điều kiện tham gia BHYT. Năm học mới 2015-2016 đã sắp sửa bắt đầu, ngành giáo dục phấn đấu cuối năm 2015 có hơn 95% số học sinh và 92% số sinh viên tham gia BHYT, đạt 100% số HSSV tham gia vào năm 2016. Để đạt được những con số này, có lẽ còn quá nhiều việc phải làm để chính sách đầy nhân văn mang tính chia sẻ sâu sắc BHYT thực sự “hút” phụ huynh cũng như HSSV.

Thái Bình

 
Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm Y tế
(cập nhật liên tục)

 


Ý kiến của bạn