Hà Nội

Tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt nhờ BV vệ tinh

16-04-2015 21:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều kỹ thuật cao trước chỉ làm tại các bệnh viện tuyến trên như mổ máu tụ trong não, mổ chấn thương sọ não, thay khớp háng toàn phần với chi phí hàng trăm triệu…

Nhiều kỹ thuật cao trước chỉ làm tại các bệnh viện tuyến trên như mổ máu tụ trong não, mổ chấn thương sọ não, thay khớp háng toàn phần với chi phí hàng trăm triệu… thì nay, nhiều bệnh viện địa phương đã làm thường quy. Thông tin này được PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2013-2014 do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.

Người bệnh hưởng lợi ngay tại địa phương

Bị gãy cổ xương đùi phải do tai nạn sinh hoạt, bà Đỗ Thị Hải (70 tuổi, ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được chỉ định thay khớp háng. Thay vì phải vượt hơn 100km lên BV Việt Đức ở Hà Nội để mổ thì nay bà Hải được phẫu thuật thành công ngay tại BVĐK Quảng Ninh. 1 ngày sau mổ, bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống, tập vận động phục hồi chức năng. Bệnh nhân đã được cho tập đi lại và xuất viện sau 1 tuần điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết thực hiệnĐề án Bệnh viện vệ tinh năm 2013-2014.

BS. Nguyễn Trọng Diện - Phó Giám đốc BVĐK Quảng Ninh - cho biết, gãy xương đùi là một chấn thương nặng, phức tạp cần được phẫu thuật. Do khả năng liền xương ở người lớn tuổi kém nên bệnh nhân thường được chỉ định thay khớp háng nhân tạo toàn phần. Theo BS. Diện, vài năm trước, với những kỹ thuật khó như thế này, bệnh nhân thường được sơ cứu, sau đó chuyển thẳng về BV Việt Đức nhưng nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ Đề án BV vệ tinh, phẫu thuật gãy xương đùi đã trở thành kỹ thuật thường quy của BVĐK Quảng Ninh. Là một trong 7 BV vệ tinh của BV Việt Đức, những năm qua, gần 20 kỹ thuật ngoại khoa, gây mê phức tạp về phẫu thuật sọ não, mạch máu, chấn thương chỉnh hình… đã được BV Việt Đức chuyển giao thành công cho BVĐK Quảng Ninh. 2 năm thực hiện đề án BV vệ tinh, BV ĐK Quảng Ninh đã phẫu thuật 425 ca chấn thương sọ não, trong đó có 37 ca máu tụ trong não, 73 ca ghép khuyết sọ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức và điều trị chấn thương sọ não nặng như đặt máy đo áp lực nội sọ…

Tại BVĐK Phú Thọ, TS. Nguyễn Huy Ngọc - Phó Giám đốc BV cho biết, nhờ triển khai mô hình BV vệ tinh của BV Việt Đức, BV K, BV Bạch Mai mà tỷ lệ chuyển tuyến của BV giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, chuyên ngành ngoại khoa, tỷ lệ chuyển tuyến xuống BV Việt Đức của BVĐK Phú Thọ hàng năm là 35 - 40% thì hiện nay chỉ còn khoảng 0,9%; hay chuyên ngành ung bướu trước đây là gần 60% thì tỷ lệ chuyển tuyến hiện nay xuống BV K của BV chỉ còn hơn 1,2%...

Thành công của mô hình BV vệ tinh của BVĐK tỉnh Quảng Ninh hay BVĐK Phú Thọ chỉ là một trong những điển hình thành công trong việc triển khai Đề án BV vệ tinh mà Bộ Y tế đã tiến hành thời gian qua.

Không thể giảm tải tuyến trên toàn diện nếu không có BV vệ tinh

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án BV vệ tinh, được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ, ngành và sự tham gia của UBND các tỉnh, thành phố cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các BV hạt nhân và vệ tinh, đến nay, Đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Đề án BV vệ tinh mới thực hiện được 2 năm nhưng mạng lưới BV vệ tinh đã được thiết lập một cách chặt chẽ giữa tuyến Trung ương và địa phương ở 5 chuyên khoa đang có tỉ lệ quá tải cao là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

48 BV vệ tinh của 37 tỉnh, thành đã hoạt động khá hiệu quả dưới sự trợ lực của 14 BV hạt nhân gồm: Việt Đức, Bạch Mai, BV E, Phụ sản TW, Nhi TW, ĐKTW Huế, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nhi đồng 1 và 2 (TP.HCM). Các chuyên ngành như: ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới; tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật; ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật; nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật; sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật… Nhờ vậy, đến nay, một số BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là BVĐK tỉnh của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở hạ tầng tốt hơn tuyến TW, trang bị máy móc không kém và thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tốt như các tuyến TW chính là cơ sở để BV vệ tinh giúp giảm tải. Nếu BV vệ tinh không phát triển sẽ không thể giảm tải được, vì thế, hệ thống BV vệ tinh sẽ tiếp tục được tăng cường. Bộ sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân về những BV quá tải đó, có BV quá tải thật, có BV quá tải ảo. Trong nghiên cứu độc lập thì có 30 - 60% bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối tại TW và TP.HCM có thể điều trị ở tuyến dưới và thời gian nằm viện có thể rút ngắn; tránh nằm lâu vì dễ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bộ Y tế cũng sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời tiếp tục khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án BV vệ tinh giai đoạn vừa qua, làm cơ sở để xây dựng và phê duyệt Đề án giai đoạn 2016-2020, mở rộng số BV vệ tinh trong thời gian tới.

Thái Bình

 

 

 

 


Ý kiến của bạn