Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong bảy bệnh viện hạt nhân làm đầu mối triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh. GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện, cho biết, sau 10 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, bệnh viện đã chuyển giao 516 kỹ thuật, cử 1.032 lượt cán bộ y tế từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xuống hỗ trợ cho hơn 100 bệnh viện tuyến dưới và hơn 2.500 lượt học viên, giúp nâng cao trình độ cho các cán bộ y tế bệnh viện tuyến dưới.
Nhờ được chuyển giao về kỹ thuật ngoại khoa, các bệnh viện tuyến dưới đã tự tin làm chủ các kỹ thuật khó như: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Phú Thọ là BV tuyến tỉnh đầu tiên ghép được thận sau khi BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ra, BVĐK Phú Thọ còn thực hiện được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, như phẫu thuật cắt bỏ các khối u nằm sâu trong ổ bụng, can thiệp tim mạch, phẫu thuật sọ não...
BVĐK tỉnh Ninh Bình đã đủ khả năng phát triển thành nhiều khoa độc lập và nhiều kỹ thuật ngoại khoa đã trở thành thế mạnh như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tiết niệu, thay khớp háng, phẫu thuật cột sống.
Thầy thuốc bệnh viện tuyến Trung ương về chuyển giao kỹ thuật tại địa phương.
Nhiều ca mổ phức tạp với tình trạng bệnh nhân bị đa chấn thương đã được xử lý rất kịp thời ngay ở tuyến dưới với sự hỗ trợ qua hội chẩn từ xa của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức như việc cứu một cô giáo Điện Biên bị đa chấn thương (dập thành bụng, thành ngực, vỡ cơ hoành ngăn cách giữa bụng và lồng ngực, khiến toàn bộ nội tạng dồn hết lên lồng ngực); cấp cứu kịp thời hàng chục nạn nhân trong các vụ tai nạn thảm khốc như vụ sập cầu Chu Va (Lai Châu), vụ xe khách rơi xuống vực ở Sa Pa (Lào Cai)...
Nhờ những chuyển giao kỹ thuật này, tỷ lệ chuyển tuyến một số bệnh đã giảm rất nhanh. Tại BVĐK các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa... tỷ lệ chuyển tuyến lên BV Việt Đức chỉ còn rất ít trong các kỹ thuật tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng, phẫu thuật gẫy vùng mấu chuyển xương đùi, kỹ thuật cầm máu trong xuất huyết dạ dày, điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc...
Bệnh viện E hiện là bệnh viện hạt nhân của ba chuyên ngành: tim mạch, chấn thương, hồi sức tích cực - chống độc cho 10 bệnh viện thuộc sáu tỉnh, thành phố.
Với Đề án bệnh viện vệ tinh, tay nghề đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở được nâng cao, đồng thời giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với kỹ thuật cao góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Theo đề án bệnh viện vệ tinh, Vĩnh Phúc có bệnh viện vệ tinh gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Sản Nhi. Đây là những bệnh viện này được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương...
Điển hình như Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã tổ chức thành công việc chuyển giao kỹ thuật chụp chẩn đoán bệnh lý bệnh mạch vành và đặt Stent cho bệnh nhân hẹp động mạch vành và các động mạch có tổn thương. Tại đây, các bác sĩ bệnh viện được các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội hướng dẫn, chuyển giao các kỹ thuật thực hiện chụp, chẩn đoán bệnh vành mạch và đặt Stent và chụp chẩn đoán, xử lý các động mạch có tổn thương.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng, để các giải pháp giảm quá tải bệnh viện được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững hơn ở các tuyến, các địa phương cần thực hiện tích cực Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường các giải pháp giảm quá tải BV, mở rộng mạng lưới BVVT.
Bộ Y tế luôn chú trọng chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV; công bố danh sách các BV đủ tiêu chuẩn làm BV hạt nhân để các BVVT lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các BV hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các BVVT. Không phân biệt BV nhà nước hay BV tư nhân trong lựa chọn BV hạt nhân, BVVT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các BV.
Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền. Triển khai nhân rộng kết quả thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình.