Tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến của BV Việt Đức diễn ra ngày 23/11 với sự tham gia của nhiều điểm cầu BV Vệ tinh ở Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang... Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến- BV Việt Đức cho biết, BV Việt Đức là một trong các BV hạt nhân được Bộ Y tế, các BV vệ tinh thụ hưởng đánh giá cao về hiệu quả triển khai các hoạt động của dự án.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, nhờ đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến và BV Vệ tinh mà nhiều BV vệ tinh của BV Việt Đức đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao, giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến
GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc BV Việt Đức kể, nếu như hơn mười năm về trước, BV Việt Đức chỉ loay hoay mổ cấp cứu cho bệnh nhân vì thực tế bệnh nhân chuyển tuyến luôn quá tải. Hầu như cứ tai nạn là bệnh nhân được chuyển thẳng về BV Việt Đức. Các bác sĩ đều quay cuồng vào tiếp nhận bệnh nhân và mổ cấp cứu. Bao năm liền BV không triển khai được kỹ thuật mới nào.
Thực hiện Đề án BV Vệ tinh và công tác chỉ đạo tuyến của Bộ Y tế, thời gian qua, BV Việt Đức đã liên tục tổ chức được 115 khóa đào tạo cho gần 1.800 học viên đến từ các BV vệ tinh thuộc 9 chuyên ngành: Ngoại Tiêu hóa, Điều dưỡng khối phòng bệnh; Chấn thương chỉnh hình; Điều dưỡng khối phòng mổ; Ngoại Tiết niệu-Nam học; Chẩn đoán hình ảnh; Ngoại tim mạch – lồng ngực; Đào tạo nội viện; Gây mê hồi sức. Đồng thời, BV Việt Đức cũng đã chuyển giao 147 lượt kỹ thuật cho 824 học viên của 18 BV vệ tinh, song song với đó BV cũng cử 100 lượt chuyên gia về các BV Vệ tinh để chuyển giao kỹ thuật và giám sát, hỗ trợ sau chuyển giao.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống Telemedicine đã giúp BV Việt Đức vừa đào tạo vừa tổ chức tư vấn phẫu thuật cấp cứu cho những trường hợp bệnh nhân nặng, phức tạp, không có khả năng chuyển tuyến như trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng tại Điện Biên
Dẫn chứng từ hiệu quả thực tiễn của công tác chỉ đạo tuyến và Đề án BV vệ tinh, Giám đốc BV Việt Đức cho biết: Đối với các kỹ thuật chuyển giao ví dụ như phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi trước chuyển giao 1 năm ở BVĐK tỉnh Bắc Giang có 50 % bệnh nhân chuyển tuyến thì đến nay chỉ có 0,5 %, BVĐK Thái Bình có 40 % chuyển tuyến thì đến nay không còn ai phải chuyển tuyến...
Trước đây với chấn thương này đã số bệnh nhân chuyển về đến BV Việt Đức là phải cắt bỏ chân vì đã bị hoại tử. Đây là kỹ thuật khó nhưng cần phải được xử lý tại chỗ vì chân chỉ cần 6 tiếng không được nuôi là bị hoại tử. Do đó, BV Việt Đức đã đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật này cho các BV Vệ tinh.
Hay kỹ thuật mổ máu tụ trong não trước chuyển giao 1 năm tại Quảng Ninh có 14 % phải chuyển về tuyến trên thì nay không còn bệnh nhân nào phải chuyển; tại Thái Bình và Lào Cai, Thanh Hóa, Ninh Bình cũng đã làm chủ kỹ thuật này.
“Nhiều kỹ thuật như điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc, kỹ thuật chụp cắt lớp dưới đa dãy, phẫu thuật điều trị chấn thương sọ não… trước khi được BV Việt Đức chuyển giao có tỷ lệ chuyển tuyến gần như 100% thì nay đã giảm xuống chỉ còn 5% đến 0%. Tỷ lệ người bệnh điều trị tại các BV Vệ tinh cũng tăng từ 70-90%, đặc biệt nhờ thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu do BV Việt Đức chuyển giao mà 9 BV Vệ tinh đã được nâng hạng từ hạng II lên hạng I”- GS.TS Trần Bình Giang nói
GS.TS Trần Bình Giang cho biết khi ông đi trực tiếp khảo sát các BV ở địa phương, BV và lãnh đạo địa phương cũng rất hoan nghênh và muốn tham gia làm BV vệ tinh. Nhiều địa phương không ngại sẵn sàng đầu tư cho y tế. Nhờ có vốn đầu tư từ ngân sách địa phương nên các kỹ thuật chuyển giao đều thành công.
TS Ngô Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh 2, BV Việt Đức trực tiếp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật chấn thương sọ não cho BVĐK Lào Cai
Tuy nhiên, Giám đốc BV Việt Đức cũng nhấn mạnh đến thực tế nhiều địa phương vẫn còn thiếu cán bộ cử lên tuyến trên học tập, hoặc cử cán bộ gần đến tuổi nghỉ hưu đi học… khiến cho đôi khi hiệu quả của đề án chưa phát huy hết ý nghĩa.
“Nếu không có phương tiện, trang thiết bị đồng bộ với kỹ thuật cần chuyển giao thực hiện thì các chuyên gia của BV Việt Đức có cố chuyển giao cũng không được, hay không có nhân lực thì chẳng thầy nào dạy được. Do đó, các BV vệ tinh cần có sự linh động, mềm dẻo khi lựa chọn cán bộ cử lên tuyến trên học tập, nâng cao chuyên môn và về phía các địa phương cũng cần có sự quan tâm đầu tư về trang thiết bị, phương tiện cho các cơ sở y tế hơn nữa để việc chuyển giao kỹ thuật thực sự hiệu quả, giúp người dân được hưởng lợi thăm khám kỹ thuật cao, chuyên sâu ngay tại địa phương”- GS.TS Trần Bình Giang nói.