Tỷ lệ chuyển tuyến bệnh ung thư ở nhiều địa phương giảm đến 90%

29-06-2019 20:17 |
google news

SKĐS - GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai bệnh viện vệ tinh đối với chuyên khoa ung bướu, lệ bệnh nhân ung thư phải chuyển lên tuyến trên đã giảm nhanh

 

Tại Hội nghị “Hợp tác, hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện K và Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt” nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện K và 14 năm thành lập đơn vị tiền thân Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt được tổ chức tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt (tỉnh Vĩnh phúc) ngày 29.6, GS.TS Trần Văn  Thuấn nhấn mạnh, thực hiện  đề án quy hoạch phát triển mạng lưới ung thư và sau 5 năm triển khai dự án bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, hiện cả nước đã có 8 bệnh viện chuyên khoa ung bướu và 72 trung tâm, khoa điều trị ung bướu thuộc các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, giúp giảm cơ bản tình trạng bệnh nhân ung bướu phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Hiện tại Bệnh viện K đã trực tiếp thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hô trợ chuyên môn cho 42 đơn vị điều trị ung bướu thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh, đề án 1816 ( tăng cường y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới công tác).

Khám sàng lọc ung thư cho người dân tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt                            Ảnh Trần Hà

Dẫn chứng từ thực tiễn, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết một số bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bắc Ninh trước đây tỷ lệ chuyển tuyến gần 100% đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10% ( tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh); tại Phú Thọ giảm còn dưới 10%.

Cũng theo GS.TS Trần Văn Thuấn , trước đây công suất giường bệnh của Bệnh viện K lên tới... trên 300%, nhiều khoa phòng đặc biệt quá tải. Nhưng gần đây, thống kê cho thấy công suất giường bệnh của bệnh viện chỉ còn 106%, tình trạng quá tải đã giảm rất nhiều và sắp tới sẽ giảm thêm.

GS Trần Văn Thuấn đánh giá, trước khi tiếp nhận các bệnh viện là bệnh viện vệ tinh, với vai trò là bệnh viện hạt nhân, Bệnh viên K đã cử các đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá nhu cầu tiếp nhận kỹ thuật cũng như điều kiện nhân lực, trang thiết bị để đảm bảo việc chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt cho biết, bệnh viện được thành lập năm 2013, đến nay bệnh viện được Bộ Y tế thẩm định lại là bệnh viện hạng III với quy mô 200 giường. Tuy nhiên hiện bệnh viện thực kê 299 giường. Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt đã thành lập phòng khám Ung bướu chuyên khám, sàng lọc và tư vấn các bệnh lý về ung bướu. Đồng thời, Bệnh viện đã thành lập đơn nguyên ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ từ những ngày đầu đi vào hoạt động.

GS.TS Trần Văn Thuấn cùng đoàn công tác của Bệnh viện K thăm Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt

“Chuyên khoa ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện trong 6 năm qua đã chẩn đoán và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân ung thư trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc”- BS Đặng Quang Thanh- Giám đốc điều hành Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt thông tin.

Qua khảo sát tại Bệnh viện Lạc Việt và nắm bắt tình hình chung về công tác khám, điều trị bệnh ung bướu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn đánh giá cao công tác khám, điều tri, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân chuyên ngành ung bướu của Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt cũng như của ngành y tế Vĩnh Phúc.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, trước mắt các bác sĩ của Bệnh viện K sẽ trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong phẫu thuật, phác đồ điều trị, chăm sóc giảm nhẹ, hội chẩn ca bệnh khó theo hình thức trực tuyến cùng Bệnh viện xu nghị Lạc Việt để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư ngay tại địa phương.

“Với trách nhiệm của đơn vị đầu ngành về thăm khám, chẩn đoán, điều trị ung thư khu vực phía Bắc cũng như trách nhiệm với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện K luôn dành nhiều ưu tiên cho các bệnh viện vệ tinh về chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, cử bác sĩ của Bệnh viện về hỗ trợ trực tiếp, hội chẩn trực tuyến… giúp các bệnh nhân có thể điều trị tại địa phương nhưng vẫn được tiếp cận với các bác sĩ tuyến trên mà không phải chuyển tuyến điều trị. Bệnh nhân được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế chi trả và không phải đi lại vất vả”- Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt

Ngoài việc hỗ trợ điều trị, Bệnh viện K cùng các bác sĩ của các bệnh viện vệ tinh thường xuyên triển khai các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư, cung cấp kiến thức phòng và kiểm soát các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

“Theo thống kê năm 2018, Việt Nam ghi nhận trên 165.000 người mắc ung thư mới, trên 110.000 người tử vong do ung thư.  Theo khảo sát của chúng tôi, vẫn có khoảng 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở gia đoạn muộn làm giảm cơ hội được điều trị khỏi đồng thời tăng chi phí điều trị”, GS Thuấn chia sẻ.

Cũng trong buổi sáng ngay 29.6, các bác sĩ của Bệnh viện K và Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt đã khám, tầm soát ung thư: vú, cổ tử cung và tuyến giáp cho 200 người dân tại huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phú

 

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị này, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, trước đây Bệnh viện K chỉ có 6 máy xạ trị, sử dụng cho trên 300.000 lượt bệnh nhân/năm. Do số lượt sử dụng lớn mà máy ít ỏi, máy xạ trị phải sử dụng 22/24h mỗi ngày, bệnh nhân phải đi xạ trị cả vào ban đêm, gây bất bình lớn cho dư luận.

"Chúng tôi vừa lắp đăt thêm 3 máy xạ trị và 1 máy xạ phẫu, các máy mới này đang trong quá trình chạy thử, dự kiến sẽ sử dụng chính thức từ tháng 8 tới. Khi đó sẽ giải quyết cơ bản tình trạng người bệnh phải thức đêm để xạ trị"- Giám đốc Bệnh viện K thông tin

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn