Hà Nội

Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đã đạt hơn 86%

26-12-2017 22:21 | Xã hội
google news

SKĐS - TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đến nay, đã có gần 81 triệu người dân tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm tỉ lệ 86,4%, ghi một điểm sáng trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí định kỳ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam diễn ra ngày 26/12, TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đến nay, đã có gần 81 triệu người dân tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm tỉ lệ 86,4%, ghi một điểm sáng trong lĩnh vực an sinh xã hội. Con số này vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 1167/QĐ-TTg. Có thể nói, chúng ta đang tiến dần, tiến vững chắc đến mục tiêu BHYT toàn dân mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã đặt ra.

Vượt chỉ tiêu Chính phủ giao về tỉ lệ bao phủ BHYT

Năm 2017, tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 13,5 triệu người lao động tham gia vào chính sách BHXH bắt buộc và gần 250 nghìn người tham gia vào BHXH tự nguyện. Có thể con số này so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị thì BHXH chưa đạt được nhưng đây là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành.

Cứ tính mỗi một năm, qua vận động, thuyết phục, đề nghị được trên 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Đây là một sự cố gắng rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong lĩnh vực BHYT, cho đến thời điểm hiện tại đã có gần 81 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm 86,4% và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167.

“Trên cơ sở phát triển đối tượng thu như vậy, BHXH Việt Nam đã bảo đảm những quyền lợi về BHXH cho hơn 9,9 triệu người lao động, trong đó 700 nghìn người hưởng chế độ ốm đau, khoảng hơn 700 người được hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp. Trên 113 nghìn tỉ đồng đã được chi từ Quỹ BHXH để bảo đảm quyền lợi từ hưu trí, ốm đau, tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp, phục hồi dưỡng sức… Đặc biệt, trong lĩnh vực BHYT, tính đến ngày 25/12, toàn ngành đã đạt được chế độ khám chữa bệnh, bảo đảm cho trên 170 lượt triệu người đi khám BHYT, với tổng số chi dự kiến theo đề nghị của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc khoảng trên 85 nghìn tỉ đồng”, TS. Phạm Lương Sơn nói.

Vẫn còn những thách thức trong thực hiện BHYT

Trước đó, tại buổi tọa đàm giữa BHXH Việt Nam và báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 25/12 với chủ đề “Kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT 2017 - Những vướng mắc cần tháo gỡ”, TS. Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, độ bao phủ BHYT đã đi trước Nghị quyết của Quốc hội hơn 2 năm. Có thể nói, người dân đã thiết tha và quan tâm hơn đến các chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, ông Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế 70% người tham gia trong tổng số bao phủ đó là từ ngân sách nhà nước hỗ trợ. Chỉ có 30% người dân tự đóng tiền, điều này thể hiện rõ sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Thách thức tiếp theo trong lĩnh vực BHYT là còn khoảng 14-15% trong số 2,2 triệu học sinh, sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng BHYT nhưng chưa tham gia. Còn lại nhóm người giàu, có điều kiện nhưng chưa tham gia. Nếu nói chính sách BHYT là chia sẻ thì “không phải những người có điều kiện chia sẻ cho người không có điều kiện, mà chủ yếu là người không có điều kiện chia sẻ cho nhau”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế ngày càng cao nhưng mức đóng lại rất thấp, trong khi chúng ta lại đòi hỏi phải có sự chăm sóc y tế tốt nhất. Điều này gây áp lực cho các bệnh viện/cơ sở khám, chữa bệnh. Rõ ràng, đây là thách thức cần phải nghiên cứu để điều chỉnh trong tương lai.

Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội băn khoăn về vấn đề chi tiền túi từ người dân trong y tế. Trong tương lai, theo lộ trình của Bộ Y tế, tất cả bệnh viện hầu hết phải tự chủ về tài chính. Việc thực hiện Nghị định 47 mới chỉ tính được 4/7 cấu thành giá, còn nếu tính 7/7 cấu thành thì Quỹ BHYT có bổ sung thêm được 3 cấu thành giá hay không hay người dân phải trả thêm 3 cấu thành giá đó. Nếu BHXH chi trả, quỹ bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng; còn nếu người dân phải trả, chi phí đó sẽ gây ra thảm họa tái nghèo cao hơn cho họ.

TS. Nguyễn Quang Tuấn nêu một nghịch lý là tại các tỉnh khó khăn, có nhiều người nghèo lại có tỉ lệ bao phủ BHYT cao hơn một số địa phương có nhiều người thu nhập cao. Đơn giản vì Nhà nước chi trả khoản này cho người nghèo, người cận nghèo, người có chính sách. Điều này có vẻ trái ngược, bởi người nghèo ở vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận dịch vụ y tế tốt. Do đó, cần có những giải pháp để chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng sâu, vùng xa tốt hơn, giúp người nghèo ở đây đến với các dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Đây chính là điểm mấu chốt của công bằng xã hội trong tiếp cận BHYT.


NGUYỄN HOÀNG
Ý kiến của bạn