Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc dự phòng hen

12-02-2020 06:31 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết thay đổi, chị Lâm lại bị ho, cảm thấy rất nặng ngực (giống như lồng ngực bị ai đó bóp chặt) và khó thở.

Lúc đầu chỉ nghĩ là do thay đổi thời tiết nên mới bị vậy, nhưng những triệu chứng này một nặng thêm khiến chị nghẹt thở... phải đi khám bệnh. Bác sĩ khám và cho biết chị bị hen phế quản và kê thuốc cho chị về nhà dùng. Bác sĩ dặn dò rất tỉ mỉ, dùng thuốc cắt cơn khi nào và dùng thuốc dự phòng ra sao? Cách dùng bình xịt định liều và dặn đi dặn lại chị rằng thuốc dự phòng là phải dùng đều đặn hàng ngày.

Khi về nhà chị Lâm dùng thuốc dự phòng được vài hôm thấy ổn nên không dùng thuốc dự phòng nữa. Từ đó trong túi chị chỉ luôn để sẵn lọ thuốc cắt cơn. Hễ thấy xuất hiện triệu chứng hen là chị lấy lọ thuốc cắt cơn salbutamol dùng.

Thế rồi một hôm cũng như những lần trước, khi thấy cơn hen bắt đầu xuất hiện, chị vội lấy lọ thuốc ra vừa xịt vừa hít đúng kỹ thuật nhưng vẫn không thấy đỡ. Cơn hen có vẻ nguy kịch khiến chị lại phải nhập viện. Cấp cứu xong cho chị, bác sĩ hỏi chị:

- Ở nhà chị có dùng thuốc dự phòng có đều đặn không?

- Dạ, em bỏ thuốc dự phòng lâu rồi, chỉ dùng mỗi thuốc cắt cơn thôi ạ. Cứ khi nào lên cơn là em lấy ngay thuốc ra hít.

- Lại thêm một bệnh nhân không tuân thủ, bác sĩ lắc đầu và cho chị biết: Đây chính là hậu quả của việc chị không dùng thuốc dự phòng hàng ngày. Ở những người này có thể gặp những cơn hen kịch phát gây nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc cắt cơn còn dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, càng về sau càng phải tăng liều. Khi cơn hen cấp xảy ra thường rất nặng như chị đã thấy.

Rồi bác sĩ nhấn mạnh: Mục đích của việc điều trị dự phòng giúp người bệnh không còn triệu chứng hen khi nghỉ ngơi, duy trì chức năng phổi bình thường; Không thức giấc khi ngủ, giảm ho; Kiểm soát được cơn hen cấp tính; Hạn chế tới mức tối thiểu tác dụng phụ của thuốc hen và đặc biệt là ngăn ngừa và hạn chế tổn thương đường thở (do làm giảm sự co thắt và sự viêm ở đường dẫn khí). Vì vậy, thuốc dự phòng hen nên được sử dụng dài hạn, thậm chí suốt đời với người bệnh mạn tính. Hơn nữa, nếu tuân thủ điều trị theo phác đồ, bệnh hen có thể được kiểm soát, tiến tới kiểm soát toàn diện, triệt để bệnh hen...

Sau lần cấp cứu ấy, được bác sĩ củng cố thêm kiến thức, chị Lâm mới thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ dùng thuốc trong điều trị bệnh, nhất là với bệnh hen mạn tính của chị.

Bảo Lâm


Ý kiến của bạn