Nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc sau ăn hải sản
Anh Hà (35 tuổi, Hà Nội) thường hay có thói quen chế biến món ăn (hàu, tôm, cá) chưa chín và đây được coi là những món khoái khẩu của anh. Sau bữa ăn hải sản tái vào một ngày đầu tháng 9/2023, anh Hà thấy đau nhiều vùng thắt lưng, hạn chế vận động kèm theo sốt, đau họng nhiều và được gia đình đưa đến 1 bệnh viện thăm khám.
Anh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp trên nền bệnh viêm gan B, tiên lượng bệnh rất nặng. Sau 6 ngày với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực anh H. mới thoát sốc, tỉnh táo và dần phục hồi.
Trường hợp khác là ngư dân Lưu Công Ch. (62 tuổi, ở Giao Thuỷ, Nam Định) làm nghề nuôi tôm nước mặn. Khi thực hiện vét và vệ sinh khu vực nuôi tôm của gia đình, ông Ch. đã nhiễm phải vi khuẩn V.vulnificus qua vết thương hở ở chân. Do bệnh quá nặng, ông được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Do có tiền sử bệnh xơ gan nên việc điều trị cho ông rất khó khăn và lâu dài.
Trước đó, Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị đã xác nhận, một bệnh nhân nghi bị ngộ độc hải sản, có sử dụng bia rượu đã tử vong tại đơn vị. Gia đình bệnh nhân kể lại, trước đó anh T.C.H. (44 tuổi, trú tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cùng một số người bạn ăn cua biển không rõ loại và uống rượu. Món cua biển do những người tham gia ăn nhậu tự chế biến. Sau ăn vài giờ, bệnh nhân T.C.H. được đưa đến Trung tâm y tế trong tình trạng bất tỉnh, vệ sinh không tự chủ.
Đến khoảng 23 giờ 20 phút, bệnh nhân trở nặng, không đo được huyết áp, mạch. Dù đã được các y, bác sĩ tận tình cấp cứu, hồi sức tim phổi nhưng tình trạng của bệnh nhân không cải thiện, tử vong ngay sau đó. Nguyên nhân được xác định là nghi do ngộ độc hải sản.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những năm gần đây, năm nào trung tâm cũng tiếp nhận ngư dân đi biển mắc phải vi khuẩn này và tỷ lệ tử vong rất cao.
Theo các chuyên gia, hàu sống vắt chanh, chấm với xì dầu và mù tạt là món ăn phổ biến trong các nhà hàng, tiệc buffet, quán ăn hải sản. Nhiều người có thói quen ăn hải sản sống như hàu sống, gỏi tôm, ngán sống… mà không hề biết rằng, vi khuẩn V.vulnificus (vi khuẩn gây bệnh của dịch tả) sống ký sinh trong các loài thuỷ sinh có vỏ như tôm, hàu, ngán… ở các vùng nước ấm như ven biển, cửa sông và ào, hồ nước lợ. Vi khuẩn này sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước đạt trên 20 độ C.
Biểu hiện của ngộ độc hải sản
Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc do ăn hải sản. Những bệnh nhân này có khi là một người nhập viện riêng lẻ, nhưng cũng có khi là một nhóm người sau khi đi du lịch có ăn hải sản, hoặc ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loài cá nhập khẩu về ăn.
Theo BS Nguyễn Thế Hưng - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Bãi Cháy, ngộ độc một số loại hải sản thì các triệu chứng từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào lượng độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, thời gian chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Biểu hiện thường gặp trên các bệnh nhân ngộ độc hải sản (so biển, ốc biển) như: tê môi, lưỡi, tay, chân, chóng mặt, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Ngộ độc nặng bệnh nhân có thể bị khó thở, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, liệt cơ hô hấp, suy hô hấp và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để tránh ăn phải những loại hải sản có độc, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần lưu ý không nên ăn những loại hải sản mới lạ, không rõ nguồn gốc, tên gọi, cần phân biệt được một số loại hải sản chứa độc tố có thực thể giống với hải sản không độc tố trước khi sử dụng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao hiểu biết, ý thức, tuyệt đối không ăn những loại hải sản sắc màu bắt mắt, nhất là so biển, cá nóc và một số loại ốc biển. Khi sơ chế, chế biến hải sản, tuyệt đối không dùng chung dụng cụ chế biến cá nóc. Tuyệt đối không để lẫn cá nóc với các loại cá thường, không phơi khô cá nóc lẫn cá tạp để bán. Khi đánh bắt được những hải sản có màu sắc sặc sỡ hoặc có hình thù không bình thường và không biết rõ nguồn gốc thì tuyệt đối không ăn hoặc đem bán.
Nếu phát hiện người bị ngộ độc khi ăn phải các loại động vật này với các triệu chứng: nôn mửa, tê môi, miệng, chân tay, lơ mơ, choáng váng, mệt mỏi toàn thân…, người dân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các loại ngộ độc này, các bệnh viện chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế, như: giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt tính, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố đào thải. Tiên lượng hồi phục ở những người bệnh này rất khả quan nếu được cấp cứu kịp thời.