‘Tuyệt chiêu’ để được hưởng lương hưu khi chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội

06-09-2023 15:34 | Xã hội

SKĐS - Người lao động nghỉ việc khi chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết nhưng muốn được hưởng lương hưu thì phải làm thế nào?

Nghỉ việc khi chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết theo quy định, nhưng muốn được hưởng lương hưu thì phải làm thế nào là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm, thắc mắc.

Điều kiện về đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu

Các quy định pháp luật hiện hành nêu rõ về mức tiền, số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Theo đó, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là: Hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là: Hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về điều kiện hưởng lương hưu.

Cùng với đó, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Theo đó, điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

Người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đối với lao động nam từ đủ 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ từ đủ 56 tuổi (năm 2023).

Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc đáp ứng 2 điều kiện sau: Có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 56 tuổi.

‘Tuyệt chiêu’ để được hưởng lương hưu khi chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Nhiều người lao động nghỉ việc khi chưa đủ số năm đóng BHXH nhưng muốn được hưởng lương hưu (Ảnh minh hoạ).

Làm thế nào để hưởng lương hưu khi chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội?

Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP có quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đóng hằng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này, cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có quy định về điều kiện hưởng lương hưu.

Theo đó, người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu, với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu.

Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.

Như vậy, nếu như người lao động đã nghỉ việc khi chưa đủ số năm đóng BHXH theo quy định và muốn hưởng lương hưu thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đóng tiếp cho đủ 20 năm, hoặc có thể lựa chọn hình thức đóng một lần bảo hiểm tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để nhận lương hưu luôn tại thời điểm đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội.

MỜI ĐỘC GIẢ XEM THÊM:

>>> Lịch chi trả lương hưu tháng 9/2023 của các tỉnh, thành phố

>>> Mức lương hưu của nhà báo ra sao, có đủ sống?

>>> Mức lương hưu của điều dưỡng viên cao thấp ra sao?

>>> Mức lương hưu của bác sĩ cao nhất, thấp nhất là bao nhiêu tiền?

>>> Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu dưới 75 tuổi

>>> Những người hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam là ai?


Hoàng Cường
Ý kiến của bạn