Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn về công tác tuyên truyền Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho mọi người lao động và Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới và mục tiêu BHXH cho người lao động, BHYT toàn dân; mục tiêu, ý nghĩa và quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, BHXH tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội về việc triển khai thực hiện các luật này...
Tăng thêm mức hưởng ở một số chế độ như: ốm đau, thai sản... Ảnh: TM
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Do đó, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: Việc tuyên truyền về BHXH, BHYT cần thường xuyên, liên tục, có chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, thiết thực. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; về mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT và làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tuyên truyền làm rõ sự cần thiết, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và sửa đổi Luật BHXH; những nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi) và Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung).
Công tác tuyên truyền cần chú trọng đến mọi đối tượng, trong đó có người lao động ở các khu vực ngoài nhà nước, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các chủ sử dụng lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân...
Về Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Tăng thêm mức hưởng một số chế độ: chế độ ốm đau, chế độ thai sản; tăng mức trợ cấp BHXH một lần theo số năm đã đóng BHXH; bổ sung đối tượng hưởng chế độ tử tuất...
Luật cũng bổ sung quyền của cơ quan BHXH, ngoài việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), còn được yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT; quyền được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của tổ chức, cá nhân; định kỳ hằng năm cung cấp cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của doanh nghiệp hoặc tổ chức; định kỳ 6 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.
Các hành vi trốn đóng, chậm, đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền thời gian chậm đóng, nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH...
Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung), để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện; bổ sung quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ BHYT; quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT đặc biệt là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công với cách mạng, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, các xã đảo, huyện đảo...
Nguyễn Hoàng