Tuyên truyền, vận động: Yếu tố cốt lõi thúc đẩy người dân Tây Nguyên tham gia BHXH, BHYT

20-11-2017 08:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Do điểm xuất phát thấp và điều kiện tự nhiên, địa hình miền núi hiểm trở, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém;

tỉ lệ hộ nghèo cao… đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực Tây Nguyên. Chỉ số tham gia BHXH, BHYT khu vực này đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đa số người dân ở vùng Tây Nguyên, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng BHYT.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình” do BHXH Việt Nam và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức ngày 18/11 tại Gia Lai.

Tính đến ngày 30/9/2017, khu vực Tây Nguyên có 335,6 nghìn người tham gia BHXH, chiếm khoảng 12% so với lực lượng lao động trong khu vực. Trong đó có 329 ngàn người tham gia BHXH bắt buộc; 6,6 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỉ trọng 2,97% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước, tăng 955 người so với năm 2016.

Số người tham gia BHYT của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên là 4,7 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 82,6% so với dân số khu vực, vượt 1,4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm tỉ trọng 6% so với tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Trong đó, có 588 ngàn người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm tỉ trọng khoảng 4,48%/tổng số người tham gia BHYT hộ gia đình cả nước). Trong đó, có 3 tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu tỉ lệ bao phủ BHYT tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Gia Lai (88%), Kon Tum (90,1%), Đắk Lắk (81,7%).

Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng tại Tây Nguyên đã đạt được kế hoạch Chính phủ và BHXH Việt Nam giao; tỉ lệ bình quân chung đạt cao hơn so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, về số tuyệt đối còn thấp so với tiềm năng, tỉ lệ số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp (khoảng 12%); số người tham gia BHYT chủ yếu thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng (chiếm 82%) nên thiếu tính bền vững, tỉ lệ người tham gia BHYT theo Hộ gia đình mới đạt 11% trên tổng số đối tượng tham gia BHYT, còn lại số người chưa tham gia BHYT.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cho biết, trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách... đã đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, trong đó, công tác BHXH, BHYT cho người dân Tây Nguyên cũng được đặc biệt chú trọng.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội Đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT... Các cơ quan Trung ương và địa phương đã xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT là nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu. Công tác tuyên truyền đã được quan tâm chú trọng bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đối tượng tham gia tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, góp phần tăng tỉ lệ bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội thì việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng.


Nam Tú
Ý kiến của bạn