Tuyên truyền để người dân thay đổi hành vi, thói quen chưa đảm bảo vệ sinh

13-12-2012 10:37 | Tin nóng y tế
google news

Trước tình hình môi trường sống tại nhiều địa phương trong cả nước hiện nay vẫn còn ô nhiễm,

(SKDS) - Trước tình hình môi trường sống tại nhiều địa phương trong cả nước hiện nay vẫn còn ô nhiễm, người dân chưa thực hiện thường xuyên các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi đối với sức khỏe và sự xuất hiện của một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh cũng như một số dịch bệnh đang có xu hướng quay trở lại như các dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp cùng những bệnh do môi trường ô nhiễm như ung thư…, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730 lấy ngày 2/7 hàng năm làm Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tại TP. Cần Thơ, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hùng Dũng, để triển khai Quyết định số 730 ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 2/7 hàng năm làm Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, đơn vị tích cực tham gia phong trào bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực.
 
Tuyên truyền để người dân thay đổi hành vi, thói quen chưa đảm bảo vệ sinh 1
 Tiếp cận tốt hơn với nguồn nước sạch và các hệ thống vệ sinh đủ tiêu chuẩn sẽ góp phần cải thiện sức khoẻ cộng đồng
Các quận, huyện cần giải quyết dứt điểm những vấn đề nóng như sử dụng cầu tiêu ao cá, đảm bảo vệ sinh tại các chợ và khu công nghiệp, nhà vệ sinh trường học, trạm y tế xã, công sở... Về phía Sở Y tế TP, UBND TP giao trách nhiệm tham mưu cho UBND TP tổng kết sau 1 năm thực hiện phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, đề nghị khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời rút kinh nghiệm để phong trào được triển khai một cách bền vững và ngày một hiệu quả hơn.
 
Về phía Sở Y tế Cần Thơ, BS. Bùi Thị Lệ Phi cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ở TP. Cần Thơ, thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và UBND các cấp, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân, công tác giữ gìn vệ sinh để nâng cao sức khỏe người dân triển khai ngày một hiệu quả. Cụ thể: đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ có cầu tiêu hợp vệ sinh đạt 64,5%, hộ có nhà tắm đạt 71%, hộ sử dụng nước do trạm cấp nước và giếng khoan là 78,3%, cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đạt 89,6%, số đơn vị được quản lý về vệ sinh an toàn lao động đạt 94,4%...
 
Nhiều năm liền trên địa bàn thành phố không có dịch bệnh lớn xảy ra, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định... Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cầu tiêu, nhà tắm và nước sạch còn thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngày càng trầm trọng do chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp chưa được kiểm soát triệt để; sự gia tăng dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp...
 
Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống, môi trường của người dân còn hạn chế. Do đó, ngành y tế thành phố đã và sẽ tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện chương trình y tế dự phòng đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền vận động người dân thay đổi những hành vi, thói quen lạc hậu, mất vệ sinh, hướng tới đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường, giữ gìn sức khỏe an toàn.

Phương Mai


Ý kiến của bạn