Tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu: Giảm tải từ xa

08-12-2017 07:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin tại Hội thảo Tập huấn Công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án 1816, Quyết định số 14/2013/QĐ-TTG và Đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2017 vừa được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tại TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, ngành y tế không ngừng đổi mới hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám và điều trị như thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khỏe...

Mở ra những bệnh viện vệ tinh

Theo các chuyên gia y tế, mô hình bệnh tật đa dạng, bệnh lây nhiễm diễn biến phức tạp, bệnh không lây nhiễm gia tăng, tai nạn giao thông còn lớn. Kinh phí đầu tư cho ngành y tế còn hạn chế, quy mô giường bệnh/1 vạn dân còn thấp. Đặc biệt, bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao ở tuyến huyện và xã còn thiếu nhiều. Trên thực tế, nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng tăng cao, khi hiện nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi nên người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có trình độ kỹ thuật cao (vượt tuyến) gây nên tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện (BV) tuyến trên.

Tính riêng TP.HCM, một thành phố công nghiệp, dân số gần 10 triệu người, trong đó 2 triệu dân từ các địa phương khác đến sống, làm việc và hơn 1 triệu khách du lịch nước ngoài. Về mặt y tế, TP.HCM được xem là trung tâm y tế phía Nam với 3 hệ thống BV: BV Trung ương và ngành (13 BV), trực thuộc thành phố (10 BV đa khoa, 22 chuyên khoa, 23 BV quận/huyện), 47 BV tư nhân.

Sản khoa là một trong những chuyên khoa ưu tiên giảm tải.

Sản khoa là một trong những chuyên khoa ưu tiên giảm tải.

Mặc dù ngành y tế TP.HCM phát triển và đạt được nhiều thành tựu, nhiều tỉnh thành phía Nam lại có nguồn lực lẫn đầu tư y tế còn nhiều bất cập, dẫn đến quá tải số lượng bệnh nhân ở các BV TP.HCM. Hàng năm ngành y tế thành phố khám và điều trị cho gần hơn 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó 40-60% từ các địa phương khác.

Vì vậy, theo đại diện của ngành y tế TP.HCM, mục tiêu cần đạt là giảm tải bệnh nhân tại BV Ung bướu, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Chấn thương Chỉnh hình... Cụ thể, BV Chấn thương Chỉnh hình triển khai 100 giường bệnh tại BV An Bình với công suất sử dụng giường nội trú đạt 100% và phòng khám vệ tinh tại BV đa khoa Sài Gòn. BV Nhi Đồng 1 triển khai 150 giường tại BV quận Bình Tân, 70 giường tại BV Tân Phú và phòng khám vệ tinh tại BV huyện Củ Chi, BV quận 6... Theo đó, các BV thành phố chuyển giao 45 gói kỹ thuật cho các BV quận, huyện, đặc biệt là các kỹ thuật cấp cứu sản phụ khoa, phá thai nội khoa, hồi sức sơ sinh, thông lệ đạo, gây tê cạnh nhãn cầu, phẫu thuật trĩ hỗn hợp, nối gân duỗi, phẫu thuật u khoeo chân, đóng đinh nội tủy xương cẳng chân...

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới ở miền núi, vùng sâu, vùng xa

Trong giai đoạn 2010-2016, nhiều mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa đã đạt được nhiều con số đáng khích lệ. Ví dụ, gần 9.000 lượt cán bộ y tế hỗ trợ tuyến dưới: Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện là 2.000; tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã là 3.000 lượt cán bộ.

Tuyến trên cũng đã chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, bv tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Tuyến trên còn trực tiếp khám, chữa bệnh cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao.

Nhờ đó góp phần giảm tải từ xa cho BV tuyến trên, nhất là các BV tuyến Trung ương thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30%, ở một số địa phương những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch...


Quý An
Ý kiến của bạn